PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì hội thảo.
Cùng dự hội thảo còn có Đại biện lâm thời, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Thomas Wiersing, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Lesley Miller.
Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư và các nhà hoạt động xã hội về trẻ em đến từ nhiều quốc gia.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Cam kết bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em. Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam luôn chăm lo bảo vệ và chăm sóc trẻ em, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em, trong đó có xây dựng pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.
Trên thực tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bước đầu hình thành hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy những bất cập, hạn chế. Nhất là, chưa có một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên.
Nhu cầu nghiên cứu hình thành một đạo luật như vậy để phù hợp đặc điểm lứa tuổi chưa trưởng thành, có chính sách ưu đãi với người chưa thành niên, thực thi một quy trình tố tụng thân thiện để tránh tạo ra những tổn thương tiếp theo, tránh mặc cảm, mở rộng đường hoàn lương sau sai phạm trong quãng đường đời rất dài còn lại cho các em là một đòi hỏi tất yếu.
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đó, thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì dự án Luật đã nghiên cứu và biên soạn dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật thu hút được các quy phạm pháp luật nằm rải rác ở nhiều luật như Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự..., khắc phục được những hạn chế của pháp luật hiện hành.
Nội luật hóa các cam kết quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều nền tư pháp khác nhau. Quá trình xây dựng dự thảo, đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học, các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư và các nhà hoạt động xã hội về trẻ em. Đến nay, dự thảo Luật cơ bản hình thành.
Hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo đề cương Luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình mong muốn những đóng góp thiết thực, sâu sắc, chuyên nghiệp sẽ giúp Ban soạn thảo hoàn thành dự án Luật với chất lượng cao để trình Quốc hội thông qua trong tương lai gần nhất.
Quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller đánh giá cao sáng kiến của Tòa án nhân dân tối cao trong việc đề xuất Luật Tư pháp với người chưa thành niên, thể hiện cam kết mạnh mẽ, liên tục của Tòa án trong việc tăng cường xử lý người chưa thành niên phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất.
Bà Lesley Miller cho rằng: Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên theo các luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt. Thay vào đó, các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến sự phân tán và thách thức trong việc thực thi hiệu lực và hiệu quả. Việc đưa ra một luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng manh mún này.
Quan trọng hơn nữa, việc xây dựng một luật tổng thể như vậy sẽ cho phép đưa ra những cải cách mang tính cơ bản để giải quyết tất cả các khía cạnh của xử lý hành chính và hình sự đối với người chưa thành niên, phù hợp chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới.
Các ý kiến tham dự hội thảo cho rằng, ở hầu hết các quốc gia, hệ thống tư pháp được thiết kế chủ yếu hướng đến người lớn và không phù hợp nhu cầu đặc biệt và tính dễ bị tổn thương của người chưa thành niên. Đây là nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội và vẫn đang trong quá trình phát triển về thể chất, tình cảm, nhận thức và đạo đức.
Ở đội tuổi này, các em chưa hiểu biết pháp luật và có khả năng bảo vệ lợi ích của chính mình. Người chưa thành niên thiếu khả năng tự khẳng định mình và các quyền của mình, thường phụ thuộc vào người lớn trong cuộc sống để thay mặt họ và có thể chịu ảnh hưởng không đáng có từ cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm người chưa thành niên tham gia vào hệ thống tư pháp được đối xử công bằng và tất cả các khía cạnh của thủ tục tố tụng được điều chỉnh nhằm mang tính thân thiện hơn với người chưa thành niên và tạo điều kiện cho đối tượng này tham gia tích cực trong quá trình tố tụng.