Các bộ, cơ quan ngang bộ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL do Bộ trưởng Tư pháp làm Tổ trưởng đã tập trung rà soát gần 8.800 VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do các cơ quan trung ương ban hành đang có hiệu lực. Trong đó có 10 chuyên đề, lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát hiện các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Kết quả rà soát được Chính phủ báo cáo Quốc hội (QH) khóa XIV tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu QH; sự quan tâm, hưởng ứng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, bộ, ngành Tư pháp chủ động nghiên cứu, góp ý, thẩm định kịp thời về cơ sở pháp lý để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, chính quyền các cấp những chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, ngành tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và ba chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư Đảng về: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, bộ, ngành tư pháp đã tham mưu cho Đảng, QH và Chính phủ tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, các cam kết quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, các quy định của Hiến pháp nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xây dựng, trình QH, Ủy ban Thường vụ QH thông qua 17 luật và nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng khác.