Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách hành chính, tư pháp

Sáng 8-8, tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Ðoàn khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp làm việc với Văn phòng Quốc hội và Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39.

Ðồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39, Trưởng đoàn khảo sát; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng ban Ðiều phối các dự án hợp tác quốc tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự, có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh án TAND tối cao; Nguyễn Khắc Ðịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình nêu rõ, thực hiện chương trình làm việc năm 2019 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Ðảng đã ban hành Quyết định 190 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Mục đích của buổi làm việc lần này nhằm đánh giá đúng kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 39 trong 10 năm qua. Xác định những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trong bối cảnh, yêu cầu mới, để từ đó đề ra định hướng, yêu cầu hợp tác trong thời gian tới. Ðồng chí nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội và Ban Cán sự đảng TAND tối cao cần tập trung đi sâu, phân tích làm rõ các mặt làm được, những mặt chưa làm được, bất cập và hạn chế, nguyên nhân trong việc thực hiện Chỉ thị số 39. Ðồng thời tập trung đánh giá đúng về những lợi ích, tác động tích cực có được từ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này, chỉ ra những thách thức, nguy cơ, chia sẻ bài học kinh nghiệm 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39, từ đó kiến nghị Ðảng, Nhà nước về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới, nhằm vừa bảo đảm yêu cầu về công tác bảo vệ an ninh chính trị, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác quốc tế.