Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương:

"Cần có chính sách lồng ghép kiến thức phòng, chống HIV trong nhà trường"

NDO - Nam quan hệ đồng giới (MSM) là nhóm quần thể ẩn khó tiếp cận, trong khi tỷ lệ ca nhiễm HIV trong nhóm này tăng nhanh báo động, đặc biệt trong lứa tuổi còn rất trẻ. Để bảo vệ giới trẻ trước hình thái lây nhiễm mới của HIV, bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề xuất cần có chính sách hỗ trợ việc lồng ghép các kiến thức về phòng tránh lây nhiễm HIV vào các buổi giáo dục giới tính, giáo dục về sức khỏe sinh sản tại các trường trung học cơ sở.

Vừa qua, phóng viên Báo Nhân Dân đã có loạt bài phản ánh về tình trạng gia tăng đáng báo động ca nhiễm HIV mới tại các tỉnh phía nam, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long. Để khống chế được dịch bùng phát mạnh tại đây, đặc biệt là trong cộng đồng nam quan hệ đồng giới, ngành y tế đã có nhiều biện pháp, sáng kiến để khống chế dịch. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS về vấn đề này.

Báo động gia tăng ca nhiễm trong nhóm MSM

Phóng viên: Tình trạng lây nhiễm HIV tăng mạnh ở nhóm MSM trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, làm gia tăng ca nhiễm HIV trên toàn quốc. Điều này là một hồi chuông báo động cho sự trở lại của dịch HIV tại các địa bàn này không?

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang là nhóm chính, chiếm phần lớn trong số những ca nhiễm HIV phát hiện mới hằng năm (trên 40% mỗi năm). 7 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.025 trường hợp HIV dương tính, trong đó đối tượng MSM chiếm 41,4%.

Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, xu hướng dịch HIV trong nhóm nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%) tương đối ổn định, riêng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên đến 12,5% năm 2022).

Về khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2022 phát hiện 4.832 ca nhiễm HIV trên tổng số 11.037 ca của toàn quốc chiếm 43,8%. Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn vùng phát hiện được 3.217 ca, chiếm 40% trong tổng số các ca nhiễm HIV mới phát hiện toàn quốc.

Trong số mới phát hiện nam chiếm 86,1%, MSM chiếm 57,8% và đường lây chủ yếu là lây qua đường tình dục (87,7%). Số ca mới phát hiện ở nhóm trẻ 16-29 tuổi (56,4%) và nhóm 30-39 (26,9%).

Số liệu giám sát trọng điểm HIV từ 2017 đến 2022 của một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tỷ lệ nhiễm trong nhóm MSM tăng khá nhanh từ 12% năm 2018 lên 16% năm 2022, luôn cao hơn so với tỷ lệ chung của quốc gia, đặc biệt là Sóc Trăng (19,3%) và Cần Thơ (16,3%) năm 2022.

Phóng viên: Những khoảng trống, những khó khăn, rào cản đang gặp phải và nhu cầu của các tỉnh này trong công tác kiểm soát dịch là gì?

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương: Dịch đang có xu hướng trẻ hóa có dấu hiệu gia tăng trong nhóm MSM, đây là nhóm có hành vi nguy cơ còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ và có xu hướng đan xem các hành vi lây nhiễm gây khó khăn trong công tác ước tính dự báo dịch và đáp ứng y tế công cộng.

Lực lượng tham gia phòng, chống HIV/AIDS mỏng và phải triển khai khá nhiều hoạt động, có sự xáo trộn nên cán bộ thường xuyên gặp áp lực do quá tải công việc.

"Cần có chính sách lồng ghép kiến thức phòng, chống HIV trong nhà trường" ảnh 1

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương.

Kinh phí dành cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn eo hẹp, nhiều hoạt động hay triển khai các ứng dụng mới còn phụ thuộc vào nguồn viện trợ, trong khi đó 5/13 tỉnh, thành phố ở khu vực này không nhận được hỗ trợ từ các dự án.

Vì thế, nhiều hoạt động chưa được thực hiện trên diện rộng như xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV qua website, điều trị dự phòng PrEP (9/13 tỉnh)... Nhiều dịch vụ y tế ở các tỉnh không dự án mới chỉ triển khai được ở cơ sở y tế, chưa triển khai rộng rãi ở tuyến cộng đồng do khó khăn về nguồn lực.

Phóng viên: Số ca nhiễm mới đang trẻ hóa, chủ yếu lây nhiễm qua nhóm MSM. Khi hình thái lây nhiễm thay đổi, chúng ta không có biện pháp can thiệp sớm, liệu mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 sẽ gặp những khó khăn, thách thức nào?

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương: Thực tế, khi hình thái lây nhiễm HIV thay đổi, số ca nhiễm mới đang trẻ hóa, chủ yếu trong nhóm MSM sẽ có một số khó khăn, thách thức khi tiến tới mục tiêu của Chiến lược quốc gia là chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo đó, cần có dịch vụ gia tăng trong nhóm MSM với những hành vi nguy cơ đan xen như quan hệ tình dục tập thể, bán dâm hay sử dụng chemsex trong quan hệ tình dục,…

Bên cạnh đó, MSM là nhóm quần thể ẩn khó tiếp cận nên các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc xác định kích cỡ và hành vi của nhóm đối tượng này để cung cấp các biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, cộng đồng MSM và nhóm trẻ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa HIV do kỳ thị và định kiến xã hội liên quan đến HIV, đặc biệt là nhóm MSM. Bản thân các bạn trẻ còn thiếu thông tin về kiến thức về HIV/AIDS, về sức khỏe tình dục và các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, đôi khi không dám chia sẻ vấn đề của bản thân.

Các can thiệp hiện tại chúng tôi đã thay đổi để thích ứng và phù hợp với nhóm mới nổi như đa dạng dịch vụ xét nghiệm, dự phòng điều trị PrEP, các dịch vụ thân thiện một điểm đến nhiều dịch vụ.

MSM là nhóm quần thể ẩn khó tiếp cận nên các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc xác định kích cỡ và hành vi của nhóm đối tượng này để cung cấp các biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả hơn.

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp những gặp thách thức như suy giảm về nguồn lực viện trợ và địa bàn hỗ trợ như: Số tỉnh được điều trị dự phòng PrEP tại các tỉnh mới đạt 29/63 tỉnh, thành phố.

Hiện nay, các viện trợ quốc tế hiện đang cắt giảm nhanh, các nguồn tài chính trong nước (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế) cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế.

Nhân lực và hệ thống tham gia phòng chống HIV/AIDS có sự thay đổi do xu hướng cán bộ ít muốn làm việc trong hệ thống dự phòng vì vất vả.

Cần có biện pháp bảo vệ giới trẻ

Phóng viên: Việt Nam đang có những chương trình hành động cụ thể như thế nào để phát hiện sớm ca bệnh, đưa đối tượng nguy cơ vào điều trị. Xin bà cho biết về sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu và dự án EPIC trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam?

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương: Phát hiện sớm ca nhiễm HIV là điều kiện quan trọng để có biện pháp can thiệp hiệu quả, cắt đứt đường lây truyền. Theo số liệu giám sát quốc gia, hiện nay Việt Nam có khoảng 86% người nhiễm HIV biết kết quả xét nghiệm HIV của mình.

Để đạt mục tiêu 95 đầu tiên như đã đề ra trong chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nhưng 10% người nhiễm HIV còn lại này rất khó để tiếp cận và xét nghiệm. Vì vậy, Việt Nam đang triển khai các chương trình hành động cụ thể hướng tới phát hiện sớm ca bệnh để đưa vào điều trị.

Theo đó, cần phải đa dạng các hình thức, phương pháp truyền thông, tiếp cận đối tượng nguy cơ cao nhằm cải thiện tình trạng tự bộc lộ, hiểu biết về lợi ích của xét nghiệm sớm, điều trị sớm, các giải pháp dự phòng giảm nguy cơ lây nhiễm. Để tăng cường tìm ca kết nối với điều trị.

Đa dạng hóa mô hình và hình thức xét nghiệm, mở rộng mạng lưới xét nghiệm tới tận cộng đồng, tự xét nghiệm. Khuyến khích việc xét nghiệm sớm, xét nghiệm định kỳ cho các nhóm hành vi nguy cơ cao.

"Cần có chính sách lồng ghép kiến thức phòng, chống HIV trong nhà trường" ảnh 2

Cán bộ y tế tư vấn cho người bệnh sử dụng thuốc đúng giờ.

Triển khai mô hình tiếp cận điều trị sớm, phát hiện điều trị ngay, không cần có tiêu chuẩn điều trị như trước đây. Đa dạng hóa các mô hình điều trị để các khách hàng dễ tiếp cận, nhưng cấp phát thuốc tại xã, cấp phát thuốc nhiều ngày.

Kết nối và triển khai nhiều dịch vụ tại một điểm, kết nối giữa dự phòng và điều trị đảm bảo việc xét nghiệm định kỳ thường xuyên các nhóm đối tượng nguy cơ cao

Trong quá trình triển khai những hoạt động, chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam luôn có được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS, lao, sốt rét: Hỗ trợ các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp tăng độ bao phủ dịch vụ xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao, nâng cao chất lượng cơ sở điều trị, cung cấp bổ sung thuốc cho bệnh nhân, các chương trình điều trị cho đồng nhiễm viêm gan C, điều trị STI cho nhóm đối tượng nguy cơ cao và HIV.

Bên cạnh đó là sự giúp đỡ vô cùng quý báu của dự án EPIC trong trong việc triển khai hàng loạt các sáng kiến, như áp dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện nhiễm mới, triển khai việc đáp ứng y tế công cộng với chùm ca lây nhiễm, các giải pháp tìm ca, giải pháp dịch vụ thân thiện...

Dự án cũng giúp các địa phương triển khai các chương trình điều trị ngay trong ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nguy cơ cao được tiếp cận với xét nghiệm và điều trị, đồng thời chuyển đổi từ hướng thụ động tiếp cận nhóm HIV sang việc tăng tính chủ động của đối tượng đích trong việc xét nghiệm định kỳ, tiếp cận xét nghiệm sớm, kết nối điều trị ngay, tuân thủ điều trị nhằm duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng.

Phóng viên: Cục có những kiến nghị gì về chính sách, các biện pháp hỗ trợ địa phương cũng như kiến nghị gì về luật để việc hỗ trợ các bạn nhỏ, đặc biệt dưới 15 tuổi được tự xét nghiệm HIV?

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương: Đảng và nhà nước rất quan tâm đến thế hệ trẻ tương lai của đất nước vì vậy trong các chính sách đều rất quan tâm đến các em thể hiện qua các chính sách sau:

Theo Điều 19, Luật Thanh niên năm 2020 quy định “Chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe" thì thanh niên được cung cấp thông tin, tiếp cận dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh xã hội khác và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của thanh niên.

Theo Điều 21, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: Người chưa thành niên quy định Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Đồng thời Theo Khoản 3, Điều 15, Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 quy định: Trường hợp người bệnh là người chưa thành niên thì thực hiện theo quyết định của người đại diện nếu có, nếu không có người đại diện thì thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Để các em dưới 15 tuổi được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và bảo đảm quyền về chăm sóc sức khỏe phù hợp với các quy định hiện hành, cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương

Trên cơ sở đồng bộ với các văn bản chính sách, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) trong đó có một bước đột phá trong việc hạ độ tuổi được phép tự nguyện xét nghiệm HIV từ “16 tuổi” xuống “đủ 15 tuổi”, việc này đã giúp nhiều bạn trong độ tuổi thanh thiếu niên có nguy cơ nhiễm HIV được tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV được sớm hơn và có những can thiệp dự phòng cũng như điều trị hiệu quả hơn và phù hợp với các quy văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

Tuy nhiên, với xu hướng dịch HIV hiện nay tại Việt Nam tập trung nhiều vào nhóm trẻ tuổi và diễn biến phức tạp của việc lạm dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục bừa bãi do tác động của môi trường xã hội cũng như sự phát triển tâm sinh lý sớm hơn của thanh thiếu niên hiện nay dẫn đến nhiều hành vi nguy cơ đáng báo động trong việc lây nhiễm HIV.

"Cần có chính sách lồng ghép kiến thức phòng, chống HIV trong nhà trường" ảnh 3

Tăng cường tư vấn đối tượng nguy cơ xét nghiệm để tầm soát.

Do đó, để các bạn trẻ được tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV được sớm, trước tiên các bạn cần có hiểu biết đúng về các nguy cơ lây nhiễm HIV cũng như hệ lụy của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp cũng như việc quan hệ tình dục không an toàn, theo tôi, cần có chính sách hỗ trợ việc lồng ghép các kiến thức về phòng tránh lây nhiễm HIV vào các buổi giáo dục giới tính, giáo dục về sức khỏe sinh sản tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đơn vị có liên quan.

Ngoài ra, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cũng cần có hiểu biết về HIV/AIDS và giáo dục giới tính để kịp thời phát hiện và hỗ trợ con em mình, đặc biệt với các em dưới 15 tuổi để tránh bị lạm dụng cũng như dễ dàng tiếp cận với xét nghiệm HIV.

Để các em dưới 15 tuổi được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và bảo đảm quyền về chăm sóc sức khỏe phù hợp với các quy định hiện hành, cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Xin cảm ơn Cục trưởng Phan Thị Thu Hương!

Bài 1: HIV đã len lỏi vào giới trẻ

Bài 2: "Điểm nóng" HIV

Bài 3: Tấn công vào “quần thể ẩn” quan hệ đồng tính nam

Bài 4: Cần có "vaccine" bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ nhiễm HIV

back to top