Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân đờn ca tài tử

NDO - Sáng 8/12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ” nhân kỷ niệm 10 năm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Đến nay, Thành phố hiện có 229 câu lạc bộ, 84 đội, nhóm đờn ca tài tử đang hoạt động với tổng số thành viên là 1.226 người (gồm có 454 nghệ nhân, tài tử đờn và 772 nghệ nhân, tài tử ca), trong đó có 6 nghệ nhân nhân dân, 13 nghệ nhân ưu tú hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu.

Với mục đích nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, việc thực hành truyền dạy, sáng tác bài ca mới, tổ chức trình diễn và quảng bá ở các điểm du lịch và trên các phương tiện truyền thông đã được thành phố quan tâm và đầu tư.

Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân đờn ca tài tử ảnh 1

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu đờn ca tài tử, văn hóa dân gian, việc thực hành đờn ca tài tử hiện nay còn một số hạn chế cần chú ý như: chủ yếu phát triển mạnh ở vùng ngoại thành và trong tầng lớp trung niên, tình trạng “già hóa” hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử đang diễn ra mạnh; nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng "khan hiếm”, nhất là đờn cò, kìm, tranh, bầu; chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp.

Đờn ca Tài tử đã được UNESCO công nhận, thật sự cần được bảo tồn và phát huy. Việc bảo tồn và phát huy Đờn ca Tài tử cần thiết phải được tiến hành bài bản, có sự can thiệp định hướng, hỗ trợ từ phía nhà nước, chứ không nên để dân gian “tự bơi”.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

Tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận vào 3 mảng chính của đờn ca tài tử đó là: hoạt động thực hành, hoạt động sáng tác và hoạt động trình diễn. Các bài tham luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu đã đề cập đến các nội dung như: Hoạt động sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề cần phải chú ý; hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử trong học đường; công tác truyền dạy đờn ca tài tử, những thuận lợi và khó khăn trong việc đào tạo nghệ nhân đờn.

Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân đờn ca tài tử ảnh 2

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên trình bày đề dẫn hội thảo.

Nhiều đại biểu cũng chia sẻ về hoạt động trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử, thực trạng và giải pháp; khai thác hoạt động đờn ca tài tử gắn liền với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, vai trò các cơ quan liên quan và cộng đồng chủ thể; đầu tư xây dựng không gian văn hóa đờn ca tài tử phục vụ công chúng và du khách; duy trì phát triển câu lạc bộ hiện có tại các hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở…

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cần tìm cho đờn ca tài tử một không gian trình diễn đúng với tính chất đa dạng, phong phú và độc đáo của nó. Đờn ca tài tử có thể được trình diễn tại không gian đình làng, đình trong thành phố nhằm mang lại sức sống cho không gian cộng đồng này.

Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân đờn ca tài tử ảnh 3

Đại biểu tham quan trưng bày “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Về xây dựng đội ngũ kế thừa, theo Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm đến hai đối tượng đó là người trẻ theo đuổi đờn ca tài tử và những nghệ nhân truyền nghề. Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cho hai đối tượng này để họ an tâm theo đuổi, truyền dạy đờn ca tài tử.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, những ý kiến quý báu của các nhà nghiên cứu, các đại biểu đại diện chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ giúp định ra hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững nghệ thuật đờn ca tài tử trên những điều kiện thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Trưng bày chuyên đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh với 120 tư liệu, hình ảnh và hiện vật.