Tình trạng in lậu xuất bản phẩm diễn biến phức tạp
Mới đây, trong tháng 7-2020, Tổ công tác 304 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã phát hiện, thu giữ hàng chục nghìn bản sách có dấu hiệu in lậu, làm giả sách giáo khoa tại Hà Nội. Điều đó cho thấy tính chất khá phức tạp của tình hình in lậu hiện nay.
Theo báo cáo của Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, năm 2019, đoàn liên ngành và các đội liên ngành, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) các địa phương đã tiến hành 1.281 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và xử phạt hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền phạt 818.200.000 đồng; tịch thu, tiêu hủy 126.124 xuất bản phẩm.
Trong đó, Hà Nội tiến hành 478 cuộc, xử phạt 483.200.000 đồng, tịch thu 27.086 xuất bản phẩm; TP Hồ Chí Minh tiến hành 21 cuộc, xử phạt 134.000.000 đồng; Bình Định tiến hành 26 cuộc, tịch thu 73.361 xuất bản phẩm (trong đó một vụ có dấu hiệu tội phạm hình sự, với tổng giá trị sách là hơn 1,5 tỷ đồng, hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh).
Trong quá trình điều tra từ tháng 1 đến tháng 5-2020, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố ba bị can là chủ nhà sách. Trong sáu tháng đầu năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp đơn vị chức năng ở Hà Nội phát hiện, thu giữ 26 nghìn bản sách và hơn hai tấn bán thành phẩm sách giáo dục có dấu hiệu in lậu, làm giả tại hai cơ sở là Công ty TNHH Phú Hưng Phát, Công ty cổ phần dịch vụ Chính Nghĩa ở quận Hoàng Mai và quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác 304 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) khẳng định không có vùng cấm trong phát hiện và xử lý các vi phạm về in lậu, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cơ quan công quyền phải thực sự công tâm và trách nhiệm, tránh những vụ việc chưa đến nơi mà cơ sở đã biết được thông tin đoàn kiểm tra để tẩu tán các sản phẩm in lậu và ngừng hoạt động nhằm che mắt, chống đối các lực lượng chức năng.
“Quan trọng hơn là vẫn còn tình trạng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, ngay trong nội bộ của từng cơ quan, lực lượng chức năng vẫn để rò rỉ thông tin cho các cơ sở vi phạm và chưa bị xử lý nghiêm. Muốn chống được việc in lậu thì trước hết phải có đội ngũ những người làm công tác phòng, chống in lậu thật sự trách nhiệm”, ông Trần Hùng nhận định.
Theo ông Trần Hùng, nếu ở địa phương nào tình trạng in lậu, làm sách giả còn diễn ra nhiều thì địa phương đó cần phải xem lại công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm đã thực sự đem lại hiệu quả và có tính răn đe hay không, và phải chấn chỉnh lại công tác này.
Ông Trần Hùng cũng cho biết Tổ công tác 304, Tổng cục QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị để tiếp tục đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với vấn nạn này trong thời gian tới.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành
Theo số liệu báo cáo và nắm tình hình thực tế ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước, số liệu về cơ sở in, photocopy trên thực tế nhiều hơn so với danh sách quản lý của địa phương. Tính đến ngày 7-6, TP Hà Nội mới có 182 cơ sở in được cập nhật, TP Hồ Chí Minh có 544 cơ sở in, tỉnh Bình Dương có 184 cơ sở in, TP Đà Nẵng có 4 cơ sở in.... nhiều cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động nhưng chưa được đưa vào danh sách cụ thể, chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng.
Tại Hội nghị tổng kết, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm 2020 được tổ chức tại Quảng Ninh, Thứ trưởng TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Hiện tượng buông lỏng quản lý cơ sở in ở một số địa phương, vào một số thời điểm, vẫn còn diễn ra, cần được nhanh chóng khắc phục. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi xuất hiện xu hướng dịch chuyển trung tâm in từ thị trường Trung Quốc sang thị trường các nước Đông Nam Á, công tác quản lý in cần đẩy mạnh, tăng cường, không chỉ tạo điều kiện cho ngành in nắm bắt cơ hội, phát triển mà còn trực tiếp góp phần phòng, chống in lậu hiệu quả.
Đặc biệt ở một số địa phương hiện nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở in hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực đất an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý in lậu, in giả còn một số mặt hạn chế, tính chủ động, kịp thời chưa cao. Sự phối hợp công tác giữa đoàn liên ngành Trung ương với các Sở TT-TT và một số cơ quan liên quan vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết hoạt động mới chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chưa hỗ trợ sâu về các nghiệp vụ khác trong phòng, chống in lậu.
Cũng tại hội nghị, đại diện các địa phương và ngành chức năng đều nhất trí cho rằng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành.
Cụ thể, cần rà soát, lập và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở về danh sách các nhà xuất bản, cơ sở in, photocopy, cơ sở phát hành trên địa bàn quản lý, tạo sự công khai, minh bạch về thông tin, nhất là đối với đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành. Qua đó giúp cho nhân dân, bạn đọc và tổ chức, cá nhân có nhu cầu in ấn, xuất bản tìm được và lựa chọn những đơn vị, doanh nghiệp in ấn, phát hành hợp pháp để đặt hàng, hạn chế được việc đặt in, phát hành tại các cơ sở hoạt động bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để xử lý việc in lậu và kinh doanh các sản phẩm từ in lậu. Thực tế, qua hầu hết các vụ buôn bán sách giả, sách lậu quy mô lớn bị phát hiện thì đa số chỉ bị xử phạt hành chính, rất ít vụ có thể khép vào tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Đồng thời, cần bổ sung những văn bản hướng dẫn để xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật hình sự… đối với những vụ việc này, bảo đảm đủ sức răn đe, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.