Cần cơ chế đồng bộ trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Hiện trạng nhiều di tích, di sản  tại các địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi việc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn do  nguồn kinh phí từ ngân sách hạn chế, đã được đề cập tại diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua.

Phố cổ Hội An. (Ảnh: Trung Nguyễn)
Phố cổ Hội An. (Ảnh: Trung Nguyễn)

Một trong những nguyên nhân của hiện trạng này là do sự điều tiết giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quá trình phát triển kinh tế-xã hội chưa thật hài hòa, đồng bộ.

Chúng ta có một hệ thống di tích, di sản văn hóa hết sức phong phú, đồ sộ. Tổng số di tích cả nước hiện đã được kiểm kê là hơn 40 nghìn, trong đó 8 di tích được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, 123 di tích quốc gia đặc biệt, 3.599 di tích quốc gia, 10.755 di tích cấp tỉnh... Tuy nhiên, thời gian qua, kinh phí từ ngân sách bố trí cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được giao chung trong các lĩnh vực chi sự nghiệp văn hóa thông tin và theo phân cấp ngân sách hiện hành; bố trí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các đề án, dự án có liên quan...

Do đó, kinh phí đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu; việc tu bổ, phục hồi các di sản mới chỉ dừng lại ở mức cầm cự trước mắt. Nếu không trùng tu, bảo tồn di tích kịp thời thì nhiều di sản có nguy cơ biến mất, trong đó có cả các di sản văn hóa thế giới.

Nguồn lực tài chính cho bảo tồn di sản văn hóa bị hạn chế luôn là một trở ngại lớn. Chẳng hạn, giai đoạn 2015-2020, với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngành văn hóa được ngân sách Trung ương phân bổ  245 tỷ đồng trong 5 năm để bảo tồn, tôn tạo cho 400 di tích ở các địa phương, bình quân mỗi di tích được đầu tư 600 triệu đến 1 tỷ đồng.

Nguồn vốn trùng tu di tích chủ yếu dựa vào ngân sách  khiêm tốn này không thể chạy đua kịp với thời gian, tốc độ xuống cấp của các công trình, khiến việc thực hiện nhiệm vụ chống xuống cấp di tích, di sản trở nên quá khó khăn. Chẳng hạn như tại Di sản thế giới đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) - được cấu thành từ 1.300 di tích, trong đó có các công trình nhà ở, nhà thờ, đình chùa… thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, vướng mắc lớn nhất là về kinh phí, các yêu cầu cao về kỹ thuật, vật liệu tu bổ và việc phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình, thủ tục quy định.

Thế nhưng,  còn khá  nhiều bất cập trong quá trình triển khai cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hóa, dẫn đến tình trạng không thu hút, tập trung được nguồn lực tài chính cho nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách tài chính nhằm hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương thiếu  quy định cụ thể về việc trích lại một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ du lịch khai thác giá trị di sản văn hóa  để tái đầu tư, tu bổ, bảo tồn di sản văn hóa. Thực tế, nguồn thu phí tham quan di tích, di sản lại nộp vào ngân sách địa phương, được ngân sách địa phương cân đối chung cho chi thường xuyên và chi đầu tư, chứ không được sử dụng để chi cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các nhà chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa và chuyên gia tài chính  đã kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ di sản văn hóa tương xứng hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội;  phải có kế hoạch cụ thể việc bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa thế giới nói riêng; quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại, xâm phạm di sản.

Việc chống xuống cấp di tích, di sản văn hóa là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Các địa phương cần sớm có đề án tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di tích; trong đó có danh sách ưu tiên, lộ trình đối với tất cả các di tích. Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, cần tập trung vào giải quyết những vấn đề vướng mắc đã tồn tại lâu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc thành lập quỹ chung về bảo tồn di sản văn hóa có tính chất liên kết và hỗ trợ đối với các địa phương trên cả nước có di sản văn hóa. Bố trí kinh phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng nơi có di sản văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp cận của khách du lịch, khách tham quan. Có cơ chế cụ thể hơn về việc giữ lại một phần lợi nhuận thu được từ khách tham quan để tái tu bổ cho di tích, di sản văn hóa.

Di sản văn hóa là tài sản chung của cả dân tộc, nó không dễ hình thành, nhưng lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa mang tính lâu dài của mọi cấp, ngành, địa phương và cả quốc gia. Và nhiệm vụ này đang cần cơ chế và giải pháp đồng bộ ■