Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại

Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID giả mạo; hoặc yêu cầu, thúc ép người dân tạo tài khoản, điền một số thông tin cá nhân vào đường link do đối tượng cung cấp để bổ sung thông tin dân cư.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại của đối tượng giả danh cơ quan chức năng. (Ảnh: SƠN TÙNG)
Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại của đối tượng giả danh cơ quan chức năng. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Sau khi cài đặt phần mềm hoặc bấm vào đường link giả mạo, người dân sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý và không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Sau khi chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, các đối tượng sẽ truy cập vào tài khoản, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác có trên điện thoại của công dân.

Điều đáng chú ý là trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường đã tìm hiểu rất kỹ thông tin của nạn nhân, như nơi cư trú, thông tin Căn cước công dân, ngày tháng năm sinh, những người thân trong gia đình, thói quen sinh hoạt..., cùng nhiều cách để tạo niềm tin và hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng giả mạo chỉ trong một thời gian ngắn.

Mặc dù đã được cảnh báo từ lâu, nhưng nhiều người dân vẫn liên tiếp bị lừa, mất tiền. Mới đây, Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong một ngày đã nhận đơn trình báo của hai người phụ nữ trên địa bàn đã bị mất hàng trăm triệu đồng khi cài đặt phần mềm giả mạo dịch vụ công.

Theo đó, ngày 22/3/2024, chị H. (sinh năm 1993) đến trình báo việc bị mất hơn 300 triệu đồng. Chị H. cho biết có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an phường yêu cầu chị cài đặt định danh cá nhân, sau đó hướng dẫn chị cài đặt và đăng nhập phần mềm dịch vụ công. Một lúc sau, chị H. phát hiện tài khoản bị mất hơn 320 triệu đồng.

Cũng trong ngày, Công an phường Trung Hòa nhận được tin trình báo của chị T. (sinh năm 1984) về việc nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an quận Hoàng Mai. Đối tượng hướng dẫn chị cài đặt và đăng nhập phần mềm giả mạo dịch vụ công. Sau đó, chị phát hiện tài khoản bị mất hơn 200 triệu đồng, cho nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Ngày 7/5/2024, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đang xác minh vụ một phụ nữ 68 tuổi trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng. Theo đó, ngày 5/4, bà P. (68 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an.

Đối tượng nói căn cước công dân của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bắt bà. Do lo sợ, cho nên bà P. đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P. đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Sau đó, bà P. biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Theo cơ quan công an, ngoài việc giả danh cán bộ công an phường, các đối tượng lừa đảo còn có thể giả mạo cán bộ ngân hàng, người bán hàng trực tuyến... yêu cầu người dân cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Để phòng tránh lừa đảo, cơ quan công an đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ, người tự xưng là cán bộ công an, cán bộ của các cơ quan nhà nước (Viện kiểm sát, Tòa án, Hải quan) để yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin về thẻ căn cước công dân, thông tin về tài khoản ngân hàng… theo yêu cầu của các đối tượng.

Mọi công dân khi phát hiện sai sót thông tin về tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước công dân, cần liên hệ trực tiếp công an phường, xã, thị trấn nơi cư trú hoặc đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của công an huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để làm việc. Người dân cần lưu ý, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nghi ngờ điện thoại bị chiếm quyền điều khiển từ xa, người dân cần lập tức xóa các ứng dụng lạ đã cài đặt, khóa tạm thời các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tháo sim điện thoại khỏi máy, khôi phục lại cài đặt gốc của thiết bị và báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo qua điện thoại, các cơ quan chức năng cũng cần sớm có các biện pháp đồng bộ và hiệu quả, đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng cần thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm; các ban, ngành, địa phương phối hợp rà soát, phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo, quản lý chặt chẽ thuê bao điện thoại di động, kịp thời phát hiện, truy vết tội phạm.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành nghiên cứu, tổ chức các hình thức khác nhau (đường dây nóng, hộp thư tố giác...), tạo thuận lợi cho người dân trong cung cấp thông tin, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, internet nói riêng.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, tình hình tội phạm công nghệ, lừa đảo diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, trên quy mô liên quốc gia, cho nên rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong điều tra và xử lý tội phạm, nhằm bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu, tài khoản và quyền lợi hợp pháp của người dân.