Theo các chuyên gia, y học thể thao hiện đại đã có ở Việt Nam hàng chục năm, nhưng chưa hòa nhập vào mạng lưới y tế quốc gia và hội nhập vào mạng lưới y học thể thao quốc tế.
Mỏng về nhân lực
Thời gian vừa qua, lãnh đạo, chuyên gia của Bệnh viện Thể thao Việt Nam thường xuyên có những hoạt động tại một số tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, Tây Bắc Bộ, miền trung, Tây Nguyên để kết hợp các cơ quan, đơn vị liên quan mở rộng mạng lưới y học thể thao. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long cung cấp nhiều tài năng cho thể thao ở nhiều môn trọng điểm như bóng đá, điền kinh, bơi lội, canoeing… Khu vực này lại có Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ, vì thế việc đầu tư khoa học, công nghệ và y học thể thao được quan tâm đặc biệt.
PGS, TS, bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, y học thể thao là khoa học y học chuyên sâu nghiên cứu khả năng hoạt động thể chất của con người và phân loại theo từng mức độ hoạt động thể chất và tinh thần; kiểm tra và theo dõi y học cho tất cả những người tham gia luyện tập nhằm nghiên cứu những biến đổi cơ thể trong quá trình hoạt động thể lực; nghiên cứu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều trị chấn thương và các bệnh lý xảy ra trong quá trình tập luyện và thi đấu; bảo đảm y tế và tiến hành kiểm tra doping cho các vận động viên…
Có nhiều vai trò quan trọng, song hiện nay, cả nước chỉ có 312 cán bộ từ trình độ trung cấp trở lên có ít nhiều thực hiện nhiệm vụ y học thể thao trong toàn quốc tại các đơn vị thuộc Tổng cục Thể dục-Thể thao, các trường đại học về thể dục thể thao và các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Phần lớn các cán bộ nêu trên không được đào tạo y học thể thao cơ bản và chỉ 179 người có chứng chỉ hành nghề, tập trung chủ yếu ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam (137 người). Trình độ từ bác sĩ y học thể thao trở lên là 4,8%, trình độ y sinh y học thể thao là 13,14%...
Theo bác sĩ chuyên khoa I, chuyên gia y học thể thao Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Khoa học và y học thể thao (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I), để phòng, khám bệnh, điều trị và phục hồi bệnh lý cho vận động viên và người tập luyện thể dục thể thao sẽ cần những nội dung, kiến thức, kỹ thuật đặc thù so với thực hiện trên người bình thường. Trong khi, chế độ của bác sĩ lĩnh vực này đang vận dụng theo chế độ của bác sĩ ngạch khác.
Khi đi công tác với các đội tuyển, bác sĩ được xếp chế độ tương đương huấn luyện viên thể lực hoặc bộ phận giúp việc như cán bộ hành chính khác của ngành thể dục thể thao. Phải mất nhiều thời gian học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, trong khi thu nhập chưa tương xứng công sức khiến nhiều bác sĩ thể thao không muốn theo đuổi, bám trụ với nghề. Đó là lý do khiến lực lượng bác sĩ thể thao tương đối mỏng.
Xây dựng mạng lưới
PGS, TS, bác sĩ Võ Tường Kha cho biết, để phát triển y học thể thao tại Việt Nam, cần nhấn mạnh các vấn đề chính, là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan thể dục thể thao, y học thể thao. Trong đó chú trọng, khuyến khích đào tạo bác sĩ thể thao, có mã chức danh nghề nghiệp y học thể thao; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật, danh mục kỹ thuật, điều kiện hành nghề.
Bác sĩ thể thao cấp cứu một động viên tại Sea Games 31. |
Chưa có mạng lưới y học thể thao khiến một số đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ y học thể thao thiếu bài bản, khoa học; chưa hiểu và chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ; chưa có đủ điều kiện pháp lý để tổ chức thực hiện nhiệm vụ là chăm sóc sức khỏe, phòng, khám và điều trị bệnh lý cho vận động viên cũng như người tập thể dục thể thao…
Hiện nay, một số trường đại học, bệnh viện đã quan tâm đến lĩnh vực này. Theo lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trường đang hợp tác Bệnh viện Thể thao Việt Nam để từng bước mở mã ngành đào tạo y sinh thể dục thể thao. Đây là giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhân lực chăm sóc, cấp cứu, khám chữa bệnh cho vận động viên và bảo đảm an toàn công tác y tế tại các giải thể thao khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vừa qua, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng phối hợp Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) thành lập bộ môn Y học thể thao.
Nhà giáo Nhân dân, GS, TS, bác sĩ chuyên gia y học thể thao Lê Quý Phượng (Chủ tịch Hội Sinh lý học Việt Nam) cho rằng, mạng lưới y học thể thao có thực hiện được hay không, vai trò của các cơ quan liên quan như các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, địa phương, Bệnh viện thể thao Việt Nam rất quan trọng. Trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền nhận thức về y học thể thao cũng như chuyển giao chuyên môn khoa học kỹ thuật các lĩnh vực trong y học thể thao.
Hiện nay, Chi hội Sinh lý học thể dục thể thao trực thuộc Hội Sinh lý học Việt Nam đã được thành lập, quy tụ nhiều nhà khoa học, y học, khoa học thể dục thể thao trong cả nước. Sắp tới, Chi hội sẽ xúc tiến thành lập và xây dựng mạng lưới y học thể thao toàn quốc, trong đó trọng tâm là đào tạo phát triển bác sĩ thể thao.
Dự kiến đến năm 2030 có khoảng 50 bác sĩ thể thao, 2050 có 300 bác sĩ thể thao được đào tạo, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, trong đó có mục tiêu đào tạo tài năng-nhân lực-cán bộ y tế y học thể thao.