Khoảng trống lớn của y học thể thao

Có vai trò rất quan trọng trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu của các vận động viên (VÐV) chuyên nghiệp để đạt được thành tích cao, vậy nhưng ngành y học thể thao Việt Nam lại đang trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng cả về đội ngũ, cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Khoảng trống lớn của y học thể thao

Thiếu hụt đội ngũ

Không khó để nhận thấy sự chênh lệch trong tương quan lực lượng giữa đội ngũ y, bác sĩ thể thao và đối tượng cần sự chăm sóc của họ. Với số lượng lên tới cả chục nghìn VÐV cấp tỉnh, cấp quốc gia của hơn 40 bộ môn, Tiểu ban Y tế Tổng cục Thể dục - Thể thao hiện chỉ có hơn 40 nhân viên làm việc trực tiếp cùng các đội tuyển (ÐT). Ngay ở SEA Games 30, Ðoàn thể thao Việt Nam có tổng cộng 650 VÐV thi đấu 43 môn nhưng chịu trách nhiệm chăm lo cho sức khỏe cả đoàn thì gồm vỏn vẹn 10 bác sĩ và 11 kỹ thuật viên (KTV) vật lý trị liệu. Nếu điều kiện kinh phí khó khăn, đây cũng là lực lượng đầu tiên bị cắt giảm.

Mỗi ngày, đội ngũ y tế phải theo sát quá trình tập luyện, ghi chép lại tình hình chấn thương lẫn thể lực của mỗi VÐV nhằm đưa ra những tư vấn sát sao về chế độ ăn uống và dinh dưỡng. Họ cũng phải xoa bóp cho VÐV trước và sau khi tập luyện, đưa VÐV đi thử doping nếu giành huy chương hay hướng dẫn họ cách sử dụng máy vật lý trị liệu vào buổi tối. Với số lượng hạn chế, trung bình mỗi bác sĩ phải gồng mình đảm trách hơn bốn phân đội, dẫn tới tình trạng quá tải. Công bằng mà nói, bộ phận vất vả và căng thẳng nhất chính là các y, bác sĩ thể thao.

Trên thế giới, mỗi ÐT thể thao muốn hoạt động trơn tru phải sở hữu đội ngũ y tế thể thao bắt buộc, như: huấn luyện viên (HLV) thể chất, bác sĩ thể thao, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật, săn sóc viên hay KTV (phụ trách mát-xa, trị liệu), chuyên gia dinh dưỡng và cả tâm lý… Rõ ràng, không ÐT nào ở Việt Nam có đủ khả năng sở hữu đầy đủ các thành phần này. Mỗi đội thường chỉ có một bác sĩ cộng tác, trên danh nghĩa trợ lý huấn luyện. Chính vì vậy, cùng một lúc họ sẽ phải kiêm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ.

"Công việc hằng ngày của tôi là theo sát từng bước chạy của mỗi cầu thủ. Cá nhân nào gặp vấn đề, tôi phải đưa ra chẩn đoán và đánh giá. Những chấn thương không mấy nghiêm trọng sẽ được xử lý tại chỗ, nếu nặng hơn cần phải tìm bác sĩ chuyên khoa để chữa trị. Bác sĩ thể thao của đội có trách nhiệm như cầu nối giữa bệnh viện và các VÐV, giúp họ cải thiện sức khỏe cũng như sớm hồi phục", bác sĩ thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn của Câu lạc bộ (CLB) bóng rổ Hanoi Buffaloes, chia sẻ về công việc tương đồng với HLV, chỉ khác là không dạy chiến thuật mà quan tâm chủ yếu đến sức khỏe và thể lực của mỗi cầu thủ.

Vất vả là vậy nhưng thời điểm ban đầu khi đội bóng mới thành lập, lương của bác sĩ thể thao như anh Tuấn là rất thấp vì mọi người quan niệm công việc này chỉ như một nhân viên y tế ngồi trực trên sân, nếu xảy ra vấn đề nghiêm trọng đã có đội ngũ y tế của các bệnh viện xử lý. Ðến khi đi vào hoạt động, lãnh đạo của CLB mới nhận thấy tầm quan trọng và trách nhiệm lớn của các bác sĩ thể thao. Thù lao của anh ngay lập tức được tăng gấp ba so ban đầu.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, nhận định: "Bác sĩ thể thao phục vụ các ÐT vừa vất vả, lương lại kiệt. Duy nhất bác sĩ theo ÐT bóng đá thuộc biên chế lại thường xuyên được thưởng vì thành tích nên mới khá hơn. Mặt bằng chung bác sĩ theo các ÐT không có thành tích đều rất thiệt thòi. Họ chỉ mang danh nghĩa trợ lý huấn luyện, không nằm trong biên chế nên mức lương hợp đồng cũng không được mấy".

Bế tắc ngay từ nhận thức

Quá trình đào tạo một bác sĩ thể thao chuyên sâu thường mất rất nhiều thời gian (từ 12 đến 13 năm). Nhưng những bác sĩ tốt nghiệp trường y thường lựa chọn làm việc trong các bệnh viện lớn, vừa ổn định lại dư dả hơn về tài chính. Với thu nhập cũng như công việc mang tính đặc thù nên việc xây dựng được một đội ngũ cán bộ y học thể thao giỏi về chuyên môn lẫn kinh nghiệm, gắn bó lâu dài vẫn đang là vấn đề rất khó khăn. Số lượng các bác sĩ thể thao cũng theo đó mà ngày càng ít ỏi, chủ yếu là đội ngũ y sĩ, KTV trị liệu.

Ðiển hình như đội ngũ được coi là chuyên nghiệp nhất phục vụ ÐT bóng đá nam. Năm 2016, HLV Nguyễn Hữu Thắng từng đề xuất xin chuyên gia y tế ngoại chất lượng cao vì không hài lòng với đội ngũ trong nước. Chiến lược gia sinh năm 1971 khẳng định những chẩn đoán và điều trị sai cho Tuấn Anh và Hoàng Thịnh đã làm hỏng kế hoạch năm đó của ÐT. Như nhận xét chuyên môn của ông Nguyễn Trọng Hiền, bác sĩ trưởng Ðồng Xuân Lâm không luyện tập hay chơi thể thao bao giờ thì không thể giúp các cầu thủ phục hồi được. Ðiều đó phần nào cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ y tế thể thao lúc bấy giờ.

Ðội ngũ đã vậy, cơ sở vật chất cũng là nỗi buồn kéo dài của những người hoạt động trong lĩnh vực này suốt nhiều năm nay. Từ 10 năm trước, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) từng đề nghị hỗ trợ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam máy móc, trang thiết bị y tế (như máy chụp cộng hưởng từ, máy siêu âm…). Mặc dù vậy, yêu cầu duy nhất là Việt Nam phải có một Trung tâm y học thể thao làm nơi tiếp nhận lại không có, nên chúng ta đã không nhận được món quà giá trị này.

Trong khi đó, Bệnh viện Thể thao Việt Nam tuy là cơ sở y tế chuyên ngành, nhưng chất lượng chuyên môn không cao nên ngay chính các VÐV cũng thường bỏ qua nơi đây để tìm đến các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Có một thực tế là, khái niệm về khoa y học thể thao vẫn được coi là khá mới mẻ ở Việt Nam, và thường bị đánh đồng cùng các khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Ðiều này vô hình trung trở thành rào cản trong hành trình nâng cấp, phát triển năng lực của chuyên ngành này. Sự thiếu nhất quán khiến phần đông VÐV lo lắng để rồi quyết định ra nước ngoài phẫu thuật, nơi có cơ sở vật chất cũng như những thành tựu về y học thể thao vượt trội. Tuy nhiên, số VÐV này không nhiều và nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, CLB chỉ những trường hợp có thành tích như VÐV cử tạ Ngô Xuân Ðỉnh mới được ra nước ngoài mổ.

Với nền tảng nhận thức xã hội chưa hoàn toàn chú trọng vào đầu tư và phát triển thể thao như ở Việt Nam hiện nay, các bác sĩ thể thao dù muốn tạo nên sự khác biệt cũng cần nhiều thời gian nhằm giáo dục và thay đổi tư duy ngay từ chính các VÐV mà họ kèm cặp.

Trung bình, mỗi VÐV mất gần 11 nghìn giờ tính từ khi bắt đầu tập luyện cho tới lúc thành tài (tương đương với trung bình ba giờ mỗi ngày trong suốt 10 năm trời). Việc sử dụng quỹ thời gian ấy sao cho hiệu quả không chỉ cần sự giúp đỡ của các HLV mà còn cần đến sự quan tâm sát sao của đội ngũ y, bác sĩ thể thao có trình độ chuyên môn cao.

ANH THƯ