Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết: Hệ thống y học thể thao từ trung ương đến địa phương ở nước ta hiện còn manh mún và tự phát. Lực lượng cán bộ y tế thể thao ở Việt Nam vẫn thể hiện sự chắp vá, không có hệ thống đào tạo bài bản.
Mới chỉ có duy nhất một mã ngành cử nhân y sinh học thể thao do hai trường đại học thể dục thể thao tại Từ Sơn (Bắc Ninh) và thành phố Hồ Chí Minh đào tạo. Chưa có mã ngành đào tạo điều dưỡng kỹ thuật viên, bác sĩ thể thao. Cán bộ, y bác sĩ hiện tại chủ yếu là lấy lực lượng từ các hệ thống đào tạo, điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa ngành khác sang.
Nhiều khi trong đội tuyển có đội ngũ y tế, tưởng đấy là bác sĩ thể thao nhưng thực ra họ chỉ là bác sĩ bên các ngành khác, thậm chí kỹ thuật viên, săn sóc viên… có người chỉ có chứng chỉ châm cứu, xoa bóp.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy (Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội), từ khi tổ chức y học thể thao được thành lập là Trung tâm y học thể thao, chỉ có 21 bác sĩ thể thao, là bác sĩ chuyên khoa I được đào tạo chuyển tiếp 2 năm từ bác sĩ đa khoa. Đến nay chỉ còn 6 người trụ lại do thu nhập không đủ trang trải cuộc sống và nghề đòi hỏi chuyên môn cao, công việc lại quá vất vả.
Các bác sĩ cũng thường xuyên phải đi cùng các đội tuyển, không có thời gian cho gia đình. Để trở thành bác sĩ thể thao, cần phải có kiến thức nền tảng đa khoa và am hiểu nhiều lĩnh vực, chuyên ngành liên quan đến vận động viên như sinh lý, sinh hóa, dược học, di truyền, nội khoa, ngoại khoa, dinh dưỡng, chấn thương, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền... nhất là vấn đề tâm lý.
Một vấn đề nữa là hiện nay, nước ta chưa có hệ thống mạng lưới y học thể thao bài bản; cơ sở hạ tầng không đồng bộ theo quy định, mỗi chỗ một kiểu và vận dụng, ghép lắp ráp theo nguồn cơ sở hạ tầng sẵn có. Dụng cụ, trang thiết bị y tế cũng không đồng bộ và thống nhất, cùng một loại thiết bị nhưng chưa có sự chuẩn hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, hạn chế chuẩn chăm sóc sức khỏe vận động viên.
Y học thể thao gồm hàng chục chuyên ngành thì mỗi chuyên ngành cần hệ thống thiết bị riêng. Thí dụ các chuyên ngành về kiểm tra sức khỏe, dinh dưỡng thể thao, tim mạch-hô hấp, vật lý trị liệu-phục hồi chức năng, hồi phục thể lực, đánh giá trạng thái thần kinh-tâm lý của vận động viên… luôn phải bảo đảm có hệ thống thiết bị chuẩn, chuyên sâu, chuyên biệt.
PGS, TS, BS Võ Tường Kha chia sẻ, sự thiếu hụt về nhân lực và thiếu bài bản, chưa có hệ thống mạng lưới y học thể thao đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo, huấn luyện và chăm sóc sức khỏe vận động viên. Không chỉ mã ngành đào tạo mà thậm chí mã ngạch của y học thể thao cũng chưa có.
Vì vậy, chế độ của bác sĩ thể thao vẫn đang vận dụng theo chế độ của bác sĩ ngạch khác. Cán bộ đi công tác với các đội tuyển thì được xếp vào chế độ huấn luyện viên thể lực hoặc bộ phận giúp việc như cán bộ hành chính khác của ngành thể dục thể thao.
Những yếu tố đó khiến ở Việt Nam, thu nhập bác sĩ thể thao vẫn chưa tương xứng với khối lượng công việc và công sức họ bỏ ra. Phần lớn sống chủ yếu bằng tiền lương theo hợp đồng lao động. Thực tế đó khiến nhiều bác sĩ thể thao phải thừa nhận họ bám trụ với nghề cũng chỉ vì đam mê.
Trước thực trạng nêu trên, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã chủ động đề xuất với các cơ quan chuyên môn xây dựng hệ thống mạng lưới y học thể thao trong toàn quốc; kết hợp Trường đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) thành lập bộ môn Y học thể thao để mở mã ngành đào tạo bác sĩ thể thao.
Bộ môn đã có hơn 20 giảng viên kiêm nhiệm từ bắc-trung-nam, bảo đảm chất lượng giảng dạy. Bệnh viện đã xin ý kiến các cơ quan liên quan, tổng hợp trình lãnh đạo Tổng cục Thể dục-Thể thao xem xét, phê duyệt “Hệ thống mạng lưới y học thể thao toàn quốc”, hòa nhập vào hệ thống mạng lưới y tế của Việt Nam.
Chỉ có như vậy mới phục vụ, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho không chỉ các vận động viên mà cả những người tập luyện thể dục thể thao. Có sự chỉ đạo thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương thì lúc đó mới phát triển được ngành thể dục thể thao, các tài năng thể thao, thể thao quần chúng ở tại cộng đồng.
Phát triển y học thể thao, ngoài việc xây dựng mạng lưới, thành lập và nâng cao chất lượng đào tạo, điều quan trọng nhất vẫn là quan tâm hơn tới chế độ, chính sách cho các y, bác sĩ thể thao. Họ là những con người thầm lặng cống hiến sức mình vào những thành tích vẻ vang mang đậm mầu cờ sắc áo nhưng đang nhận những chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.