Cấm sử dụng viện trợ nước ngoài phục vụ mục đích rửa tiền, trốn thuế

NDO -

Sử dụng viện trợ nước ngoài để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… là những hành vi bị cấm theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành.

Ảnh minh họa: Sử dụng viện trợ nước ngoài với mục đích rửa tiền, trốn thuế...là những hành vi bị nghiêm cấm.
Ảnh minh họa: Sử dụng viện trợ nước ngoài với mục đích rửa tiền, trốn thuế...là những hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể, tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.

Nghị định quy định rõ cấm các hành vi sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đồng thời, cấm các hành vi sử dụng viện trợ để tìm kiếm lợi nhuận phân chia, tư lợi cá nhân, không vì mục đích nhân đạo, phát triển kinh tế xã hội, không vì lợi ích cộng đồng.

Bên cạnh đó, các hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng viện trợ cũng thuộc danh sách các hành vi bị cấm theo quy định của Nghị định.

Về thẩm quyền phê duyệt các khoản viện trợ, Nghị định quy định rõ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo và các khoản viện trợ có mục tiêu trực tiếp hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; hàng hóa nhập khẩu thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan; và các trường hợp khác.

Đối với các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan chủ trì thẩm định. Đối với các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt khác, cơ quan chủ quản giao đơn vị chuyên môn trực thuộc phù hợp chủ trì tổ chức thẩm định; ở cấp địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định.

Nghị định quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định phê duyệt các khoản viện trợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thẩm định có liên quan đến phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

Căn cứ ý kiến kết luận của cơ quan chủ trì thẩm định, cấp có thẩm quyền tiến hành xem xét, quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ. Trong trường hợp khoản viện trợ không đủ điều kiện tiếp nhận, cơ quan chủ quản phải thông báo cho bên cung cấp viện trợ về quyết định không tiếp nhận viện trợ.

Cấm sử dụng viện trợ nước ngoài phục vụ mục đích rửa tiền, trốn thuế -0
 Thời gian qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận ủng hộ, hỗ trợ và viện trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: MTTQ Việt Nam.

Riêng đối với viện trợ khắc phục hậu quả, khi phê duyệt văn kiện dự án, phi dự án, thì người đứng đầu cơ quan chủ quản không bắt buộc phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan.

Chỉ được tiếp nhận các khoản viện trợ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Nghị định mới ban hành cũng quy định rõ các nguyên tắc trong quản lý và sử dụng viện trợ. Cụ thể, việc quản lý và sử dụng viện trợ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Các khoản viện trợ chỉ được tiếp nhận, thực hiện, sử dụng khi đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Nguồn tiền viện trợ phải là nguồn tiền, tài sản hợp pháp.

Không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật. 

Cơ quan chủ quản của đơn vị tiếp nhận khoản viện trợ chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ.

Dòng tiền tiếp nhận và chi ra cho khoản viện trợ phải được thực hiện thông qua tài khoản tiếp nhận viện trợ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, được báo cáo đầy đủ theo quy định.

Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước phải được dự toán, hạch toán, quyết toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Chủ khoản viện trợ được phép tự quản lý và chịu trách nhiệm về mục đích và kết quả sử dụng viện trợ, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với các nhà tài trợ. Chủ khoản viện trợ định kỳ báo cáo cơ quan chủ quản để tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung.

Trong trường hợp khoản viện trợ đã được phê duyệt mà sau 6 tháng (kể từ ngày được phê duyệt) vẫn chưa triển khai mà không có lý do chính đáng, cấp có thẩm quyền phê duyệt được thu hồi quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ đã ban hành. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm thông báo cho Bên cung cấp viện trợ về việc thu hồi quyết định phê duyệt khoản viện trợ.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết về quản lý thực hiện viện trợ, quản lý tài chính viện trợ và quản lý nhà nước về viện trợ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành các văn bản biểu mẫu báo cáo theo quy định.

Về hiệu lực thi hành, Nghị định mới ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 17-9-2020 và thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.