Cảm phục một tư duy, tầm nhìn về phát triển văn hóa Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc về tư tưởng, tình cảm của vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với nền văn hóa của dân tộc. Qua đó, chúng tôi càng thấu hiểu những giá trị truyền thống của cha ông được đúc kết hàng nghìn năm qua là nền tảng quan trọng phải gìn giữ và phát huy để giữ vững độc lập, tự chủ đất nước trong tiến trình phát triển và hội nhập thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. (Ảnh: https://bvhttdl.gov.vn/)
Sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. (Ảnh: https://bvhttdl.gov.vn/)

Chúng tôi cảm nhận đồng chí Tổng Bí thư từ trong giao tiếp, phát biểu chỉ đạo cho đến những quan điểm lý luận định hướng phát triển đất nước đều có nét tinh tế, sâu sắc của một cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chắc chắn những năm tháng tuổi trẻ ấy, được học, nghiên cứu, đắm mình trong thế giới văn chương, hiểu rõ giá trị tinh thần của mỗi dân tộc và “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, rồi trải qua thực tiễn đời sống sinh động với nhiều vị trí, cương vị khác nhau để khi trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng trăn trở hoạch định đường lối phát triển văn hóa của nước ta.

Bài phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư tại hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với những phân tích lý luận sắc sảo, thực tiễn sinh động, đã khơi dậy niềm tự hào và định hướng nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về phát triển văn hóa.

Bởi lẽ trong những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, các ngành, các địa phương chú tâm nhiều hơn cho phát triển kinh tế mà chưa nhận thức sâu sắc và có sự quan tâm, đầu tư đầy đủ, tương xứng đối với văn hóa. Tổng Bí thư đề nghị phải khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư mới xuất bản, các bài viết, bài phát biểu thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh, huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Được tiếp cận những nội dung này, chúng tôi càng cảm phục một tư duy, tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có đức, có tài, đồng thời tha thiết mong những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư sớm thành hiện thực.