Ðây cũng là bước thực hiện cam kết lớn nhất nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu trong lịch sử nước Mỹ.
Luật mới, có tên Ðạo luật Giảm lạm phát (IRA), được Nhà trắng khẳng định là cam kết lớn nhất nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu trong lịch sử nước Mỹ cũng như nhằm mục tiêu thực hiện những thay đổi được trông đợi từ lâu trong việc ấn định giá thuốc cũng như bổ sung tính công bằng cho hệ thống thuế.
Theo luật mới, Chính phủ Mỹ sẽ chi khoảng 370 tỷ USD cho các sáng kiến năng lượng xanh và các sáng kiến khí hậu nhằm giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Ðể có ngân sách cho kế hoạch này, luật sẽ lấp các lỗ hổng về thuế và áp đặt mức thuế tối thiểu 15% doanh thu với các tập đoàn lớn.
Số tiền mà nước Mỹ sẽ chi cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu được tính toán dựa trên các đạo luật: Khoa học và CHIPS; IRA và Ðầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm. Các đạo luật này đều tài trợ cho các nghiên cứu liên quan đến khí hậu, các nghiên cứu thí điểm và hỗ trợ sản xuất.
Ước tính, Chính phủ Mỹ sẽ chi 514 tỷ USD cho vấn đề chống biến đổi khí hậu, trong đó 362 tỷ USD lấy từ IRA, 98 tỷ USD lấy từ Ðạo luật Ðầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm, 54 tỷ USD từ Ðạo luật Khoa học và CHIPS.
Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua thêm luật mới để một số khoản tài trợ được giải ngân. Ðạo luật Khoa học và CHIPS sẽ tài trợ các nỗ lực liên quan khí hậu trong khoa học vật liệu như phát triển pin mới và các tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả hơn. Phân tích của RMI cũng cho thấy, chi tiêu liên bang hằng năm cho khí hậu và năng lượng sạch trong 5 năm tới sẽ gấp khoảng 15 lần so với những năm 1990 và đầu những năm 2000 và gấp 3 lần so với những năm gần đây.
Bà Lachlan Carey, đồng tác giả của báo cáo RMI cho biết, ba đạo luật nêu trên cùng nhau tạo thành một chính sách "công nghiệp xanh nhất quán". Ðiều này có nghĩa các đạo luật sẽ tập trung vào các ngành chiến lược và một loạt các công cụ được thiết kế nhằm đẩy nhanh hoạt động sản xuất. Việc Tổng thống Biden ký ban hành luật chi tiêu ngân sách dành cho chống biến đổi khí hậu và y tế lớn giúp đảng Dân chủ có thêm động lực trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ mà đảng Cộng hòa dường như không còn chắc chắn về một chiến thắng áp đảo được dự báo trước nữa.
Hiện nay, thế giới đã nóng lên khoảng 1,20C so với thời tiền công nghiệp, khiến các đợt nắng nóng khốc liệt và cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, như gần đây ghi nhận ở Mỹ và châu Âu. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng thời tiết cực đoan vốn gia tăng do tình trạng biến đổi khí hậu.
Cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà trắng Gina McCarthy cho biết, nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng đời sống của người dân Mỹ hơn bất kỳ kiểu thời tiết nào khác, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng, mức tăng nhiệt độ sẽ được hạn chế dưới 3,60C, do các chính phủ và doanh nghiệp đang đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc chính quyền Tổng thống Biden ban hành các đạo luật liên quan biến đổi khí hậu nhằm thực hiện cam kết lúc tranh cử của ông là đưa nước Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ðây cũng là góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu về cắt giảm lượng khí thải nhằm kìm hãm tốc độ nóng lên của trái đất ■