Cam kết của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương

Trong hai ngày 28 và 29/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương, lần đầu được tổ chức tại thủ đô Washington. Hàng loạt cam kết hợp tác được Mỹ đưa ra trong các lĩnh vực từ kinh tế-thương mại tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cho thấy mối quan tâm mạnh mẽ và lâu dài của Mỹ đối với khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thông báo của Nhà trắng nêu rõ, Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương đặt mục tiêu thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hội nghị cũng là dịp để Mỹ thể hiện quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài với các đảo quốc Thái Bình Dương và khu vực Thái Bình Dương nói chung. Trước Hội nghị, Nhà trắng tiết lộ chương trình nghị sự chính của cuộc gặp cấp cao lần này là về ứng phó biến đổi khí hậu, vấn đề vốn có ý nghĩa sống còn với các đảo quốc Thái Bình Dương, cũng như vấn đề an ninh hàng hải và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra chỉ vài ngày sau Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, trong đó biến đổi khí hậu là một trong những nội dung trọng tâm. Bên lề khóa họp Đại hội đồng, các nước tham gia sáng kiến Các đối tác ở Thái Bình Dương xanh (PBP) đã nhất trí tăng cường hỗ trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương ứng phó biến đổi khí hậu. PBP ra đời vào tháng 6 vừa qua với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia và New Zealand.

Các quốc gia tham gia sáng kiến đưa ra sáu lĩnh vực trọng tâm trong việc hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương, như khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và ứng phó thiên tai, cũng như bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blin-ken) cho biết, các lĩnh vực hợp tác cũng bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, thông qua các dự án trị giá phải chăng, an toàn, chất lượng cao, bền vững và minh bạch. Điều phối viên về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà trắng Kurt Campbell (C.Kem-ben) nhấn mạnh, mục tiêu mà PBP hướng tới là thúc đẩy cách tiếp cận tích cực để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng ở Thái Bình Dương.

Gần đây, Mỹ đã có hàng loạt động thái mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm đối với khu vực Thái Bình Dương. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Antony Blinken tới Fiji gặp các nhà lãnh đạo của nhóm đảo quốc Thái Bình Dương, trở thành Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Mỹ thăm Fiji trong gần 40 năm qua. Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách đàm phán với ba quốc đảo Thái Bình Dương, gồm Marshall, Micronesia và Palau, về việc gia hạn Hiệp định liên kết tự do.

Đáng chú ý, tại Hội nghị cấp cao các đảo quốc Thái Bình Dương tháng 7 vừa qua, cùng với tuyên bố Chính phủ Mỹ sẵn sàng “khởi đầu một chương mới” tại Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (C.Ha-rít) đã công bố khoản ngân sách mới trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ khu vực này, cùng kế hoạch mở các đại sứ quán Mỹ tại Tonga và Kiribati. Dự lễ kỷ niệm 80 năm trận chiến Guadalcanal được tổ chức hồi đầu tháng 8, ở thủ đô Honiara của Solomons, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tiếp tục khẳng định sự đoàn kết với các đảo ở Thái Bình Dương là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mỹ nỗ lực xây dựng mối quan hệ sâu sắc và lâu bền, như “một gia đình Thái Bình Dương”.

Điều phối viên về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Campbell còn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Quad), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, mà trong đó Mỹ đẩy mạnh vai trò của mình trên toàn khu vực. Theo ông Campbell, trong khi Washington vấp phải “một số thách thức” ở Trung Đông và các vấn đề cấp bách tại châu Âu, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực quan trọng nhất, lâu dài nhất của Mỹ, với cả thách thức và cơ hội chiến lược.