Cải thiện mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của người dân

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nhiều cơ chế, chính sách, đề án về tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí, nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân.
Lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc được khôi phục, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc được khôi phục, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Nhờ giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế liên tục trong 20 năm qua, Vĩnh Phúc có điều kiện, nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Đầu tư bài bản và thực chất

Gần đây, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về nâng cao mức thụ hưởng cho nhân dân, đáng chú ý là các nghị quyết về nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân Vĩnh Phúc (năm 2020); xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (năm 2022); xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu (tháng 3/2023).

Các nghị quyết này bám sát quan điểm của Ðảng, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đặt mục tiêu xây dựng con người Vĩnh Phúc có những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời phát huy các đặc điểm nổi trội: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới.

Các nghị quyết đều nhấn mạnh phải tăng đầu tư cho văn hóa, cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực vật chất. Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, ngân sách dành cho sự nghiệp văn hóa-thông tin là hơn 408 tỷ đồng; cho sự nghiệp thể dục-thể thao là hơn 161 tỷ đồng. Vốn đầu tư công năm 2023 phân bổ cho lĩnh vực hạ tầng văn hóa-xã hội là 350 tỷ đồng, cho lĩnh vực văn hóa là 47 tỷ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ có mục tiêu 353 tỷ đồng để xây dựng 28 khu thiết chế văn hóa-thể thao tại 28 làng văn hóa kiểu mẫu.

Từ nguồn kinh phí được cấp, trong năm qua, có 12 di tích cấp quốc gia, tám di tích cấp tỉnh được hỗ trợ đầu tư tu bổ; 19 câu lạc bộ dân ca tiêu biểu và 11 nghệ nhân ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tỉnh hỗ trợ. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật diễn ra sôi nổi, phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Phong trào đọc sách, báo lan tỏa từ khu dân cư đến các trường học. Nhiều trường học có thư viện trị giá hàng tỷ đồng. Các làng văn hóa kiểu mẫu có phòng đọc sách và gian trưng bày sách.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở ở Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hầu hết các xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, hơn 90% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa cộng đồng hoặc khu thể thao bảo đảm tiêu chí theo quy định. Số lượng người thường xuyên tham gia luyện tập thể dục, thể thao ngày càng tăng cao, chất lượng dân số từng bước được cải thiện.

Phát huy bản sắc văn hóa

Trong khi các đô thị của Vĩnh Phúc chuyển mình nhanh theo hướng hiện đại thì vùng nông thôn được xây dựng theo hướng vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa. Vĩnh Phúc hiện có khá nhiều xã đã đạt được tiêu chí phường, thị trấn; và ba huyện đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025.

Dễ nhận ra nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên được thảm nhựa, có vạch kẻ đường, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông. Nhiều ngõ xóm có biển tên đường, gắn số nhà, lắp camera an ninh, điện chiếu sáng. Những nơi có công trình tôn giáo, tín ngưỡng được mở rộng gắn kết với các khu đất công cộng. Các nhà văn hóa thôn, xóm được quy hoạch mở rộng gấp nhiều lần, những nhà văn hóa chật hẹp sẽ được chuyển sang địa điểm mới rộng hơn...

Trong vòng ba năm qua, Vĩnh Phúc có thêm hàng trăm khu dân cư đáng sống với cảnh quan tươi đẹp, thanh bình và trù phú. Có những nơi còn muốn xây dựng mô hình "làng thông minh", như làng Ðinh Xá, xã Nguyệt Ðức (huyện Yên Lạc). Nơi đây, mái đình cổ, ao làng, đền thờ và khu văn hóa làng hợp thành một quần thể hài hòa.

Cụ Trần Hợi, một cư dân cao tuổi trong làng cho biết: "Tôi thấy cuộc sống tuổi già vẫn có ích, vẫn lý thú vì có nhiều niềm vui. Người cao tuổi có nhiều sân chơi thể thao, đạp xe dọc đường làng, theo những con ngõ với bồn hoa, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng; hay chỉ đơn giản ngồi dưới bóng đa cổ thụ hàng vài trăm tuổi để tâm sự"... Hay người dân làng Phú Hạnh, xã Thượng Trưng (huyện Vĩnh Tường) đi đâu cũng chỉ mong về nhà vì không gian ấm cúng, làng quê trù phú, tình làng nghĩa xóm đậm sâu. Những nghề tổ tiên truyền lại như làm bánh đúc, bánh hòn vẫn được duy trì. Ðình làng, ao sen và chùa Phú Hạnh trở thành nơi cố kết cộng đồng của các thế hệ già trẻ.

Hướng đến tiêu chí hiện đại, văn minh, người dân vùng nông thôn Vĩnh Phúc tích cực hưởng ứng chủ trương thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Chính quyền và người dân đồng hành trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Với sự đồng bộ, chỉn chu, coi trọng thực chất, Vĩnh Phúc đã có 120 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hai xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Vừa qua, tỉnh đã đưa vào sử dụng 28 khu thiết chế văn hóa-thể thao của các làng văn hóa kiểu mẫu. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Ðô cho biết: Với mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa quy mô, tiên tiến, hiện đại của vùng đồng bằng sông Hồng, trong năm 2023, tỉnh đã xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu với những tiêu chí vượt trội so với mô hình nông thôn mới. Các nhà văn hóa của thôn, làng có quy mô hơn 200 chỗ ngồi, lắp điều hòa nhiệt độ, có thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại. Khuôn viên văn hóa-thể thao của các làng đều có diện tích từ 5.000m² trở lên (nơi rộng nhất lên đến 18.000m²), với đầy đủ dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. Nhiều ngôi làng có kiến trúc cảnh quan đẹp, đường có tên, nhà có số, internet miễn phí, có bãi đỗ xe, khu vườn đi dạo. Trong làng có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thương mại. Một số xã miền núi còn có các mô hình homestay, farmstay. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo, tạo thành một chỉnh thể hài hòa. Những làng văn hóa kiểu mẫu như Thụ Ích (xã Liên Châu, huyện Yên Lạc); Bàn Mạch (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường); Viên Du Hòa (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương), Ðồng Bùa (xã Tam Quan, huyện Tam Ðảo)… là minh chứng cho sự liên kết giữa văn hóa, thể thao, thương mại, du lịch và sản xuất.

Vĩnh Phúc cũng ban hành các chính sách khuyến khích nhân dân cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương. Hiện nay, huyện Sông Lô có ba câu lạc bộ hát trống quân Ðức Bác, huyện Bình Xuyên duy trì 72 câu lạc bộ dân ca, dân vũ.

Cấp ủy, chính quyền ba cấp từ tỉnh đến xã rất chú ý mở rộng diện tích đất văn hóa khi triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều xã, phường, thị trấn quy hoạch mở rộng diện tích nhà văn hóa thôn lên ít nhất 2.000m2. Tất cả các khu công nghiệp dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân và người lao động.

Các công trình Thư viện tỉnh, Trung tâm triển lãm giới thiệu thành tựu kinh tế-xã hội tỉnh, Ðài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Khu Liên hợp thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đang được khẩn trương xây dựng. Riêng Khu Liên hợp thể thao tỉnh Vĩnh Phúc rộng 51 ha, vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh nhận định: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, đa dạng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa được ban hành, triển khai kịp thời, thật sự đi vào đời sống, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét. Hiện nay, Vĩnh Phúc đang nghiên cứu xây dựng ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế văn hóa của tỉnh.

Về lâu dài, để cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, Vĩnh Phúc cần xây dựng môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, cung cấp các loại hình dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các địa phương trong tỉnh cần xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm quản lý, vận hành các cơ sở văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư; từng bước phát triển thị trường văn hóa theo quy luật của kinh tế thị trường. Nếu được đầu tư đúng hướng, văn hóa sẽ trở thành động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển con người tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao quy mô, tiên tiến, hiện đại của vùng đồng bằng sông Hồng. Hơn 90% số thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hóa, khu luyện tập thể thao. Ðầu tư cho văn hóa đạt ít nhất 2% tổng chi ngân sách hằng năm và tỉnh dành từ 8-10% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa.