Trình bày Báo cáo thực trạng công tác quản lý nhà nước về du lịch tại hội thảo, ông Ngô Hải Dương, Chánh Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Sau khi tổ chức, sắp xếp lại Tổng cục Du lịch sang mô hình, cơ cấu mới là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục vẫn kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Du lịch theo quy định pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Các nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước về du lịch của Cục vẫn tương tự như trước, tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại trung ương vẫn bảo đảm thống nhất, thậm chí còn bổ sung thêm các nhóm nhiệm vụ nhằm tăng cường hơn công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển du lịch “đúng hướng, trúng mục tiêu”.
Về tình hình phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, ông Dương cho biết, hoạt động du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái nhiều kết quả tích cực.
Tổng số khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng tiếp tục được cải thiện.
Đặc biệt, công tác xây dựng văn bản quản lý nhà nước được xác định là một trong những trọng tâm triển khai trong giai đoạn phục hồi du lịch; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời; công tác quản lý hoạt động lữ hành, khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú và công tác xúc tiến, quảng bá tiếp tục được đẩy mạnh; công tác chấn chỉnh, kiểm tra, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch được quan tâm, đề cao; chuyển đổi số trong hoạt động du lịch diễn ra mạnh mẽ…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp thực tiễn; cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao chưa được quan tâm; việc nâng cao năng lực kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành còn hạn chế; hiện tượng người nước ngoài núp bóng Việt Nam hành nghề hướng dẫn, một số doanh nghiệp Việt Nam vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch vẫn tồn tại; chưa tổ chức được các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam có quy mô, tính chất quốc gia, tạo tiếng vang; liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý du lịch trung ương và địa phương, giữa các khối cơ quan quản lý nhà nước - hiệp hội - doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ…
Một trong số nguyên nhân được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra là do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có phạm vi hoạt động và tính chất, quy mô gồm nhiều thành phần; một số quy định, chính sách, văn bản quản lý nhà nước chưa thống nhất, đặc biệt là đối với hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chất lượng cao.
Công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là với các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách; du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Phó Trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Thanh Bình trình bày tham luận. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững.
Đề cập những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch trong bối cảnh mới, Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh đến 5 yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh, đó là: hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và định hướng về thị trường du lịch; phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý về du lịch; quản lý phát triển du lịch theo hướng bền vững; đổi mới phương thức quản lý nhà nước về du lịch thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Liên quan lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý lưu trú du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, quy định đối với các cơ sở lưu trú du lịch, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, chấn chỉnh những yếu kém của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch; yêu cầu các địa phương cập nhật công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện, các loại hạng đã được công nhận; hỗ trợ các cơ sở lưu trú trong công tác chuyển đổi số; hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị khách sạn, kỹ năng nghề cho cán bộ quản lý, nhân viên; tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến cải tiến, cung cấp dịch vụ chất lượng…
Đứng ở góc độ quản lý địa phương, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về kinh tế, về thủ tục giúp doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước; xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, đẩy nhanh việc thành lập các văn phòng đại diện xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm; tổ chức điều tra tổng thể tài nguyên du lịch, phân loại tài nguyên du lịch trên phạm vi cả nước làm căn cứ cho các địa phương thực hiện công tác quản lý, phát huy giá trị tài nguyên du lịch.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phát biểu. |
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; có định hướng xây dựng những gói sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu thị trường và khách du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng miền…
Thời gian tới, Cục sẽ phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn để hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch; đẩy mạnh quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh...