Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Quảng Ninh luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bài 1: Chủ động đón đà phục hồi du lịch
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Là huyện đảo tiền tiêu, Cô Tô được tỉnh lựa chọn để thí điểm chuyển đổi số với quy mô cấp huyện, đến nay, cơ bản hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, như: Xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh huyện Cô Tô, xây dựng hệ thống phần mềm IOC, phần mềm phản ánh hiện trường, app “Cô Tô Smart”; thực hiện tích hợp 18 camera tại Trung tâm Hành chính công và Trung tâm thương mại dịch vụ Cô Tô lên hệ thống.
Huyện đã nâng cấp trang thông tin điện tử của Cô Tô, bổ sung ứng dụng bản đồ số du lịch, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin các dịch vụ du lịch Cô Tô, liên hệ đặt dịch vụ trực tuyến. Huyện đưa 207 cơ sở lưu trú, 35 nhà hàng và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác lên trang thông tin điện tử của huyện Cô Tô; đồng thời, thực hiện thí điểm gắn mã QR tra cứu thông tin các tuyến đường trọng điểm, dịch vụ, du lịch hỗ trợ người dân và du khách.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô Nguyễn Hải Linh cho biết: Hệ thống quét mã QR code được tích hợp xây dựng bài thuyết minh tự động nhiều ngôn ngữ sẽ hỗ trợ các đoàn khách trong và ngoài nước tốt hơn nhiều so với trước. Thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tiếp tục gắn mã QR toàn bộ tuyến đường trên địa bàn, gắn mã QR thuyết minh tự động trên xe điện du lịch, xây dựng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin toàn bộ tuyến, điểm du lịch, bãi tắm, các sản phẩm du lịch, đặc sản mang thương hiệu Cô Tô.
Đến nay 26/26 thủ tục hành chính (đạt 100%) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch Quảng Ninh thực hiện ở cấp độ 4, quy trình thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận. Sở Du lịch cũng duy trì và phát triển hiệu quả trang thông tin điện tử thành phần đáp ứng nhu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của người dân.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, thu phí vé tham quan vịnh bằng internet banking và quét mã QR. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết: Sở đã tăng cường kết nối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các đơn vị cung cấp công nghệ, phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch bền vững.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Viettravel Quỳnh Phan Phương Hoàng chia sẻ: Để Quảng Ninh thu hút 15 triệu lượt khách, với hai triệu khách quốc tế trong năm 2023, du lịch Quảng Ninh cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tận dụng cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, hiện đại cho phát triển du lịch; ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số trong phát triển du lịch, xây dựng hệ sinh thái vận hành, quản lý và kinh doanh ngành dịch vụ, khách sạn trên nền tảng chuyển đổi số...
Liên kết trong và ngoài nước
Thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai các giải pháp theo Kế hoạch số 85/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của thành phố Hải Phòng trong mối liên kết vùng và khu vực.
Theo đó, thành phố Hải Phòng chủ trương tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong nước cũng như quốc tế, nhất là các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và phía nam, các địa phương thuộc hành lang kinh tế năm tỉnh, thành phố Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc)... để quảng bá và phát triển du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền cho hay, Sở tham gia Hội nghị khởi động du lịch Trung-Việt với sáu điểm đến trên tuyến du lịch hoàng kim Côn Minh-Châu Hồng Hà-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh nhằm kết nối thị trường, xây dựng sản phẩm liên kết thu hút khách du lịch Trung Quốc.
Cùng với nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập đang được các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp tích cực thực hiện, ngành du lịch Hải Phòng đang mở rộng hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng trên cơ sở khai thác lợi thế, tài nguyên của mỗi địa phương để tăng sức hấp dẫn, hút khách du lịch. Hải Phòng triển khai liên kết mở mang du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng với Quảng Ninh, Vĩnh Phúc; du lịch di sản với Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội; du lịch tâm linh với Ninh Bình, Hà Nam; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP với Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh...
Cùng với đó, thành phố chú trọng hợp tác xây dựng chương trình city tour trao đổi khách qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng với tour “chuyến tàu ký ức” tham quan phố phường, thưởng thức ẩm thực Hà Nội và Hải Phòng nhằm thu hút khách từ hai thành phố và các địa phương lân cận. Mặt khác, việc liên kết thu hút khai thác thị trường khách du lịch phía nam qua các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn và các địa phương có cửa khẩu cũng được tăng cường.
Mới đây tại buổi làm việc giữa hai ngành du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) và Quảng Ninh (Việt Nam), ông Tạ Nhật Vạn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Du lịch Quảng Tây, chia sẻ: Chúng tôi đề nghị hai bên sẽ cùng phát triển thị trường du lịch song phương và du lịch biên giới. Cụ thể là nối lại các tuyến du lịch biển từ Bắc Hải, Quảng Tây đến Hạ Long, Quảng Ninh; tạo ra các sản phẩm du lịch vùng biên giới, tour tuyến mới hấp dẫn; thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tour du lịch xe ô-tô tự lái.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn để đưa vào phục vụ du khách. Đồng thời, nghiêm túc kiểm soát, giám sát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Xuất phát từ lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, Quảng Ninh chủ động xây dựng kịch bản, đẩy mạnh xúc tiến kết nối du lịch với các tập đoàn lớn cũng như tăng cường liên kết các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương nhằm tạo nền tảng và sân chơi lành mạnh để các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch kết nối với nhau, cùng nghiên cứu, phối hợp xây dựng những sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn du khách hơn.
Có thể thấy rõ, hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng đều có lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, khai thác được nhiều loại hình du lịch, cho nên việc phối hợp liên kết chắc chắn sẽ bổ trợ cho nhau, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, lôi cuốn và mang lại hiệu quả cho hoạt động du lịch.
“... Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và là trung tâm kinh tế biển phát triển bền vững kết nối với khu vực và thế giới; liên kết với các địa phương trong vùng hình thành cụm ngành du lịch với các sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao...”.
NGUYỄN XUÂN KÝ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh