Cải thiện chất lượng cơ sở y tế để giảm suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao

NDO - Suy dinh dưỡng ở trẻ em không chỉ là thách thức cho sức khỏe cộng đồng, mà nay đã trở thành vấn đề cấp bách, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Ở nước ta, chất lượng hệ thống y tế cơ sở cấp xã tại các địa phương vùng miền núi phía bắc và Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân dẫn đến lo ngại về vấn đề dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ y tế khám, tư vấn sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng cao.
Cán bộ y tế khám, tư vấn sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng cao.

25 năm qua, hoạt động can thiệp dinh dưỡng ở nước ta đã được triển khai rộng rãi, thu được nhiều thành quả đáng khích lệ, tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm nhanh trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, khoảng nửa thập kỷ trở lại đây, khi chương trình mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng đã khép lại và các hoạt động can thiệp liên quan trở thành thường quy, đã xuất hiện một số dấu hiệu bất cập trong triển khai tại cộng đồng, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng miền núi còn quá cao

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2019-2020, khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng chung ở trẻ em lên tới khoảng 30%, cao gấp 2-3 lần so với các khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

Năm 2023, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam – Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã triển khai một đề tài khoa học nhằm nghiên cứu tư vấn, phản biện, giám định xã hội với chủ đề “Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở một số xã khu vực khó khăn và đề xuất một số giải pháp cải thiện”.

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các chuyên gia đã khảo sát về tình hình suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các khu vực khó khăn để đề xuất một số giải pháp cải thiện phù hợp, cụ thể là tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi và các bà mẹ có con nhỏ cũng như đội ngũ cán bộ y tế cơ sở tại 2 tỉnh Hà Giang và Kon Tum.

Cải thiện chất lượng cơ sở y tế để giảm suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao ảnh 1

Các chuyên gia Viện Y học ứng dụng Việt Nam tiến hành cân sức khỏe trẻ em các địa phương được khảo sát.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam dẫn các kết quả nghiên cứu cho biết: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vẫn còn cao. Trong đó, tỷ lệ trẻ em thấp còi tại Hà Giang và tại Kon Tum lần lượt là 26,5% và 25,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị gầy còm (suy dinh dưỡng cấp tính) lần lượt là 9% và 7,5%.

Cũng theo các nghiên cứu, kiến thức và thực hành của bà mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tại cả 2 tỉnh còn nhiều hạn chế. Các bà mẹ phần lớn chưa thực hành đúng về các vấn đề liên quan như bổ sung dầu mỡ, trái cây và sữa vào các bữa ăn dặm của trẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, vệ sinh trong chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn 2 tỉnh nêu trên còn nhiều bất cập, đặc biệt trong các vấn đề về nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính. Thực trạng mạng lưới phòng, chống suy dinh dưỡng dù đã triển khai nhưng không được duy trì đúng mức, chưa tập trung chăm sóc toàn diện từ khi bà mẹ mang thai.

Tỷ lệ trẻ em thấp còi tại Hà Giang và tại Kon Tum lần lượt là 26,5% và 25,5%. Con số đối với tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị gầy còm (suy dinh dưỡng cấp tính) tại 2 tỉnh nêu trên lần lượt là 9% và 7,5%.

Các giải pháp can thiệp giảm suy dinh dưỡng như cung cấp sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, bổ sung vi chất dinh dưỡng, theo dõi tình trạng dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ, lồng ghép chăm sóc trẻ mắc bệnh... còn nhiều hạn chế, có dấu hiệu không "tiếp bước" được những thành quả từ chương trình mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, các báo cáo còn cho thấy: công tác truyền thông về giáo dục dinh dưỡng rất hạn chế từ phương tiện, kênh truyền thông cho tới nội dung, ngôn ngữ, tổ chức hoạt động truyền thông tại cả trạm y tế xã, thôn, bản và gia đình.

Những giải pháp cấp bách

Từ những nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài khoa học, các chuyên gia của Viện Y học ứng dụng Việt Nam và một số y, bác sĩ đầu ngành đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi gắn với cải thiện chất lượng cơ sở y tế tại một số địa bàn khó khăn ở khu vực miền bắc và Tây Nguyên.

Theo đó, cần thiết xây dựng một gói hỗ trợ dinh dưỡng giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cho các vùng đặc biệt khó khăn thông qua hoạt động chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng toàn diện trong 1 nghìn ngày đầu đời của trẻ em và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ mang thai, đang cho con bú.

Hệ thống đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng và y tế thôn bản cần được duy trì và chấn chỉnh cả về số lượng và chất lượng thông qua các chính sách đãi ngộ, đẩy mạnh đào tạo lại và đào tạo liên tục, chú trọng cung cấp đủ trang thiết bị cơ sở vật chất tối thiểu cho các hoạt động giám sát dinh dưỡng.

Bổ sung thường xuyên các sản phẩm dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi: duy trì cung cấp đầy đủ viên sắt cho phụ nữ mang thai, hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính thông qua chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế và huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế và trong nước.

Cải thiện chất lượng cơ sở y tế để giảm suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao ảnh 3

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn (áo trắng) tư vấn sức khỏe dinh dưỡng cho các bà mẹ vùng cao trong chuyến khảo sát thuộc khuôn khổ đề tài khoa học.

Thay đổi phương pháp, cách thức tiến hành truyền thông, giáo dục dinh dưỡng dựa trên văn hóa và thực hành của địa phương; tận dụng nhiều kênh truyền thông chính thống, kể cả các mạng xã hội; xây dựng các thông điệp và nội dung phù hợp.

Nâng cao và đa dạng hóa các hoạt động, loại hình truyền thông giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng, kết hợp các phương pháp truyền thông truyền thống (loa đài, tờ rơi, truyền thông trực tiếp) với các phương pháp truyền thông hiện đại (qua mạng xã hội, internet, các nhóm bà mẹ).

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các chủ đề giáo dục dinh dưỡng, tập trung vào các chủ đề: chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, hướng dẫn theo dõi tăng trưởng cho trẻ em dưới 5 tuổi, ăn bổ sung hợp lý, chế độ ăn uống và chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp… Huy động các Hội, đoàn thể, tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng tại các vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, chính quyền các địa phương nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao cần nâng cao nhận thức và hỗ trợ thực chất, có hiệu quả về nhân lực, vật lực để các can thiệp dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ mang thai được triển khai một cách đầy đủ, mạnh mẽ như thời điểm chương trình mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng còn được triển khai để trẻ em các vùng liên quan tiếp tục nhận được sự chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng trong thời gian tới.