Cải cách thể chế, không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp

NDO - Cắt giảm thủ tục hành chính đang có hiệu lực, không ban hành thêm các thủ tục mới làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp là những yêu cầu cấp bách đang đặt ra trong mục tiêu cải cách thể chế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy động lực tăng trưởng. Phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Đức Hiếu.
Ông Phan Đức Hiếu.

Yêu cầu cấp bách về cải cách thể chế

Phóng viên: Thưa ông, việc triển khai có hiệu quả công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa thế nào đối với tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay?

Ông Phan Đức Hiếu: Tình hình doanh nghiệp hiện nay đang hết sức khó khăn. Kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện thời điểm tháng 6/2023 cho thấy doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, khó khăn về vốn, năng lực cạnh tranh.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong bối cảnh khó khăn về thị trường như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh ở trong nước mà còn phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp của các nước trong khu vực. Hệ quả là doanh nghiệp gặp thách thức rất lớn về dòng tiền để trang trải hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thông qua chính sách tài khoá, tiền tệ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh có vai trò rất quan trọng trong thời điểm này. Bởi vì tác động không mong muốn của thể chế là không chỉ tạo ra các thủ tục hành chính mà còn tạo ra gánh nặng tài chính và chi phí tuân thủ rất lớn.

Thí dụ, trong dự thảo quyết định về tái chế đối với sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Fs), ngoài chi phí hành chính để thực hiện thủ tục thì dự kiến doanh nghiệp nào không tự tái chế sản phẩm, bao bì sẽ phải nộp một khoản tiền cho Quỹ Bảo vệ môi trường.

Hoặc, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài việc phát sinh thủ tục hành chính, còn làm gia tăng các chi phí đầu tư đối với doanh nghiệp khi dự kiến bổ sung sản phẩm, dịch vụ vào danh sách chịu thuế và tăng thuế suất đối với một số mặt hàng.

Về mặt lý thuyết, 1 quy định của pháp luật có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí. Đó là chi phí thủ tục hành chính; phí, lệ phí; chi phí đầu tư; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức.

Rủi ro của quá trình này là chi phí cơ hội có thể mất đi nếu có sự chậm trễ hoặc trì hoãn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, và đó là nguồn cơn của cái gọi là chi phí không chính thức.

Cho nên, mục tiêu cải cách thể chế có ý nghĩa rất quan trọng vì quá trình này không chỉ hướng đến giảm thủ tục hành chính, mà còn hướng đến cắt giảm chi phí phát sinh từ các quy định của pháp luật. Vấn đề này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Phóng viên: Theo ông, đâu là những rào cản lớn đang kéo lùi quá trình cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Ông Phan Đức Hiếu: Có 4 thách thức lớn đang đặt ra trong cải cách thể chế, hướng đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thách thức đầu tiên là phải thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính từ những quy định hiện hành. Vấn đề này chúng ta đang triển khai.

Thách thức thứ hai là quan ngại về khả năng nhiều chi phí mới sẽ phát sinh từ những quy định đang được cơ quan chức năng dự thảo và sẽ được ban hành trong thời gian tới. Ví dụ vấn đề định mức Fs và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được sửa đổi theo hướng tăng thuế suất đối với một số mặt hàng, dịch vụ.

Tôi tin rằng đây là mối quan ngại rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm rất khó khăn hiện nay.

Thách thức thứ ba nằm ngoài tầm kiểm soát là những vấn đề trong thương mại toàn cầu làm gia tăng chi phí mà chúng ta buộc phải tuân theo. Trước mắt, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đánh vào một số sản phẩm nhập khẩu với mức thuế carbon 10-15% sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.

Ngoài ra, còn có thách thức đến từ “cuộc đua” cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong cuộc cạnh tranh đó, quốc gia nào có môi trường đầu tư kinh doanh tốt thì sẽ có chi phí tuân thủ thấp, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Cho nên cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia phải được đặt trong bối cảnh quốc tế.

Với đòi hỏi cấp bách trong thực tiễn và bốn thách thức lớn đang đặt ra, có thể nói rằng cải cách thể chế là yêu cầu ngày càng quan trọng, thậm chí còn đặt ra cấp bách hơn cả những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài khoá và chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.

Cần thành lập cơ quan độc lập giám sát, thúc đẩy cải cách thể chế

Phóng viên: Đây cũng là những giải pháp được đề ra tại Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp?

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi đánh giá rất cao việc việc Chính phủ ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023. Công điện thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Các giải pháp đề ra tại Công điện 644/CĐ-TTg đều có mục tiêu hướng đến giải quyết 4 thách thức về cải cách thể chế nêu trên.

Cụ thể là không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi rất nhanh và biến động khó lường, yêu cầu và đòi hỏi về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng cao hơn, đòi hỏi phải đặt ra quyết tâm rất cao để thực hiện.

Nếu như trước đây, chúng ta thường nói môi trường kinh doanh có cải thiện hơn so với năm trước và đó là kết quả tạm hài lòng thì đặt trong bối cảnh mới hiện nay phải so sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để làm mục tiêu phấn đấu.

Phóng viên: Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng rất nhiều vào sự thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển. Ông có đề xuất gì để thực hiện có hiệu quả Công điện số 644/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Phan Đức Hiếu: Việc thực thi nghiêm, đầy đủ và có hiệu quả công điện 644/CĐ-TTg rất quan trọng và tôi có mấy gợi ý như sau.

Một là, tập trung kiểm soát việc ban hành các quy định mới làm gia tăng chi phí tuân thủ. Ngay cả khi quy định đó cần thiết phải được ban hành nhưng nếu thực sự chưa cấp bách, thì không nên ban hành. Đây là biện pháp giảm chi phí thiết thực nhất.

Trường hợp phải ban hành quy định mới, cần có lộ trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khoẻ và chuẩn bị phương án tuân thủ. Làm được như vậy sẽ giúp doanh nghiệp phần nào yên tâm, đỡ lo lắng trong tổ chức hoạt động kinh doanh.

Nếu có những quy định phải ban hành và thực hiện ngay, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp trong tuân thủ quy định, như việc tuân thủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, kiểm đếm CO2… theo đúng địa điểm, đúng nhu cầu và bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.

Hai là, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có như hiện nay, một số ngành đặc thù như bất động sản, tài chính... có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, bán bớt tài sản, nhưng căn cứ các quy định hiện hành lại không thực hiện được.

Cần nghiên cứu nới khung thể chế có thời hạn, có địa chỉ cụ thể, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh ứng phó với khó khăn trong thời điểm hiện nay. Đây là biện pháp thể chế đã được các nước đã áp dụng rất hiệu quả trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Đó là các biện pháp trước mắt. Về lâu dài cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp.

Kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra, cải cách nếu chỉ xuất phát đơn lẻ theo thời điểm và được thực hiện từ chính cơ quan ban hành thể chế đó thì việc cải cách rất khó khăn và không hiệu quả.

Cho nên các quốc gia thường thành lập một cơ quan độc lập có chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế. Cơ quan này có thể thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu.

Thí dụ ở Canada là Ủy ban đặc biệt thuộc Hội đồng Bộ trưởng, ở Hàn Quốc là Ủy ban Tổng thống về cải cách thể chế, ở Anh là Hội đồng chịu trách nhiệm về cải cách thể chế, ở Mỹ là Văn phòng thông tin về cải cách thể chế...

Tên gọi có thể khác nhau, nhưng bản chất là một cơ quan có thẩm quyền, có địa vị pháp lý nhất định. Nhiều quốc gia trao thẩm quyền rất mạnh cho các cơ quan này, họ có quyền bác bỏ đề xuất của các bộ, ngành nếu các đề xuất chính sách không đạt chất lượng.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần thành lập một cơ quan tương tự để đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cơ chế bền vững cải cách thể chế là không chỉ hướng tới cắt giảm thủ tục hành chính mà còn cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, là cơ chế bền vững thực hiện thường xuyên, liên tục.

Xin trân trọng cảm ơn ông!