Các vụ tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng tăng

NDO - Năm 2023, Việt Nam có 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống, tăng 9,5% so với năm 2022, trong đó, có tới 554 website của các cơ quan, tổ chức chính phủ và giáo dục có tên miền .gov.vn, .edu.vn bị xâm nhập, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia phát biểu về bảo mật an ninh mạng tại hội thảo.
Chuyên gia phát biểu về bảo mật an ninh mạng tại hội thảo.

Ngày 11/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA), Liên minh Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DTA), Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) tổ chức hội thảo “Chính quyền số và An toàn thông tin”.

Hội thảo là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ Quốc tế iTECH EXPO 2024 với quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế, quy tụ các chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, chính quyền số là một trong những mục tiêu chiến lược cấp quốc gia được ưu tiên hàng đầu.

Chính quyền số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải tiến chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chính quyền…

Bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Khu Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu và là yêu cầu khách quan trong quá trình phát triển của thời đại công nghệ số, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia tối ưu hóa hoạt động, gia tăng hiệu quả và nâng cao sự phục vụ đối với cộng đồng.

Các vụ tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng tăng ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu kép: vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực hướng ra toàn cầu.

“Chuyển đổi số là một hành trình dài, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội, từ sản xuất, phân phối, thương mại đến tiêu dùng”, bà Phạm Thị Kim Phượng nói, và thêm rằng các hoạt động về quản lý, cung cấp dịch vụ công, hành chính… của chính quyền cũng không nằm ngoài xu hướng. Việc thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử hướng đến chính quyền số như một yêu cầu cần thiết và tất yếu.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là trong việc bảo đảm bảo mật thông tin và quyền riêng tư trên không gian mạng.

Theo thống kê, năm 2023, có 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 9,5% so với năm 2022.

Trong đó, có tới 554 website của các cơ quan, tổ chức chính phủ và giáo dục có tên miền .gov.vn, .edu.vn bị xâm nhập, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ. Hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền tấn công, tăng 8,4% so với năm 2022.

Các vụ tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng tăng ảnh 2
Chuyên gia trình bày tham luận về an ninh mạng tại hội thảo.

Đại diện Liên minh Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ của Liên minh Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh là liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhằm tạo sức mạnh đủ lớn đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần vào sự phát triển của chính quyền số.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hạn chế lớn nhất của người sử dụng mạng hiện nay là nhận thức về an toàn thông tin chưa cao; sử dụng mật khẩu yếu và không thay đổi thường xuyên; mở các tệp đính kèm hoặc liên kết không rõ nguồn gốc; chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang web, mạng xã hội.

Để bảo mật an toàn thông tin, các chuyên gia khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao các nhóm giải pháp: nhóm dịch vụ bảo đảm an toàn mạng, nhóm dịch vụ bảo đảm an toàn máy chủ, nhóm dịch vụ bảo đảm an toàn ứng dụng, và nhóm dịch vụ bảo đảm an toàn dữ liệu.