Các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp tại thủy điện Đakđrinh

NDO - Chuẩn bị các phương án phòng, chống mưa bão, chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Thủy điện Đakđrinh tổ chức thực hành xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc. Đồng thời, triển khai các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện Đakđrinh, thủy điện lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình thủy điện Đakđrinh, thủy điện lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Công trình thủy điện Đakđrinh, thủy điện lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Tại Khu đầu mối thủy điện Đakđrinh, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, các cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng phối hợp ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hành 4 tình huống trong vận hành thủy điện mùa mưa lũ.

Các tình huống được thực hành gồm hạ mực nước hồ đón lũ, vận hành giảm lũ hạ du, vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ và công tác phối hợp với chính quyền địa phương cùng các hồ trên lưu vực sông Trà Khúc khi xả lũ khẩn cấp.

Tình huống hạ mực nước hồ đón lũ được thực hành trong điều kiện lưu lượng nước về hồ thủy điện tăng mạnh, khả năng đạt 1.000m3/s, yêu cầu của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi hạ mực nước hồ Đakđrinh để đón lũ. Các phòng ban kỹ thuật-an toàn , quản đốc phân xưởng vận hành thực hiện ngay quy trình lệnh xả lũ, vận hành đập tràn.

Các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp tại thủy điện Đakđrinh ảnh 1

Các đơn vị thực hành các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện Đakđrinh.

Tình huống vận hành giảm lũ hạ du được thực hiện điều kiện hồ Đakđrinh đang xả lũ với lưu lượng lớn hơn lưu lượng về. Căn cứ mực nước sông Trà Khúc tại Trạm thủy văn Trà Khúc của Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi vượt báo động II, thì tiến hành vận hành hồ chứa lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ để giảm lũ cho hạ du.

Tình huống đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ được thực hiện khi công trình đang xả lũ với lưu lượng nhỏ hơn lưu lượng về. Khi mực nước tại Trạm Trà Khúc xuống dưới báo động I, các công nhân vận hành với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ để đưa dần mực nước hồ về mức nước cao nhất trước lũ 405m.

Các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp tại thủy điện Đakđrinh ảnh 2

Các kỹ sư, công nhân phối hợp điều hành xả lũ.

Công tác phối hợp với chính quyền địa phương cùng các hồ trên lưu vực sông Trà Khúc khi xả lũ khẩn cấp được đặt ra trong tình huống tình hình mưa lũ phức tạp, nước về hồ tăng mạnh, hồ thủy điện Đakđrinh không còn dung tích phòng lũ, nên tổng lưu lượng xả nước về hạ du bằng mức nước về hồ.

Các biện pháp triển khai khẩn cấp theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Trà Khúc, đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương trong công tác di dời dân, phân luồng giao thông, bố trí lực lượng ứng trực tại các cầu tràn…

Các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp tại thủy điện Đakđrinh ảnh 3

Khởi động bơm nâng van cung chuẩn bị xả lũ.

Qua thực hành, thao tác 4 tình huống khẩn cấp tại thủy điện Đakđrinh, các hoạt động nghiệp vụ, điều hành xử lý tình huống khẩn cấp, công tác phối hợp giữa các đơn vị, các nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương được triển khai chặt chẽ, an toàn. Các quy trình vận hành, thao tác, phát hiệu lệnh, thiết bị kỹ thuật của nhà máy thủy điện được điều khiển, hoạt động đúng quy trình kỹ thuật.

Chúng tôi thực hành các hoạt động nghiệp vụ có tính thực tiễn cao giúp cho việc vận dụng, thực tế hóa các tình huống trong phương án ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố đập, hồ chứa. Quy trình vận hành và xử lý các tình huống bảo đảm đồng bộ, thống nhất, an toàn về tổ chức và nhiệm vụ.

Ông Lê Năng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đakđrinh

Công trình thủy điện Đakđrinh nằm trên sông Đakđrinh, là thủy điện có quy mô lớn nhất trên hệ thống bậc thang thủy điện lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.

Công trình thủy điện ĐakĐrinh ảnh hưởng tới 5 xã gồm ĐakĐrinh, ĐakNên huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; và xã Sơn Dung, Sơn Liên, Sơn Tân huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguy cơ ảnh hưởng mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, động đất gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, hoạt động kinh tế xã hội trong vùng rất lớn, vì vậy các đơn vị quản lý công trình thủy điện triển khai các phương án ứng phó thiên tai hằng năm theo từng cấp độ; trong đó, tập trung các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, động đất…

“Các đơn vị, quản lý vận hành công trình thủy điện xây dựng các tình huống, cùng phối hợp thực hành rà soát thực tế cho đơn vị. Từ thông tin tin mưa lũ của trung tâm khí tượng thủy văn, các thủy điện phối hợp chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó với mưa lũ sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro sau thiên tai”, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp tại thủy điện Đakđrinh ảnh 4

Hạ mực nước hồ đón lũ.

Chủ động triển khai các phương án ứng phó thiên tai hằng năm, thực hành ứng cứu tình huống khẩn cấp là một trong những hoạt động nghiệp vụ có tính thực tiễn cao trong công tác ứng phó thiên tai của các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện.

Qua đó, giúp các đơn vị vận hành thủy điện vận dụng, thực tế hóa các tình huống trong phương án ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố đập, hồ chứa. Đồng thời, kiểm tra phương án ứng phó đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng tại chỗ, các công trình thủy điện và sự điều hành của ngành chức năng, chính quyền địa phương trong quá trình phối hợp.