Ngày 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Wopke Hoekstra thông báo nước này tham gia một nhóm sơ tán công dân từ Jordan và sẽ cố gắng bảo đảm công tác sơ tán công dân diễn ra trong thời gian sớm nhất và an toàn nhất có thể.
Trước đó, nhiều nước, trong đó Pháp, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai công tác sơ tán nhân viên sứ quán và gia đình khỏi Sudan. Tuy nhiên, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do giao tranh giữa các lực lượng sở tại.
Thông báo cùng ngày của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này đã bắt đầu chiến dịch sơ tán khẩn cấp công dân của mình cũng như công dân các nước châu Âu, các nước đối tác đồng minh khác.
Theo Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Sudan, các chiến dịch cứu hộ được triển khai lúc rạng sáng nhưng đã bị hoãn lại do an ninh không bảo đảm.
Theo hãng tin AFP, tính đến sáng 23/4, hơn 150 người từ nhiều quốc gia đã tới địa điểm an toàn tại Saudi Arabia trong đợt sơ tán dân thường đầu tiên kể từ khi giao tranh nổ ra tại Sudan.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo đã sơ tán an toàn 91 công nhân nước này cùng công dân một số quốc gia khác, gồm Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Tunisia, Pakistan, Ấn Độ, Bulgaria, Bangladesh, Philippines, Canada và Burkina Faso.
Trong khi lực lượng hải quân của Saudi Arabia sơ tán các nhà ngoại giao, các quan chức quốc tế và dân thường qua Biển Đỏ từ Cảng Sudan đến thành phố Jeddah của Saudi Arabia, giao tranh lại tiếp diễn ở Khartoum sau một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời khiến xung đột tạm lắng trong ngày 21/4, ngày đầu tiên của lễ Eid al- Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Nhiều quốc gia xác nhận đang chuẩn bị sơ tán thêm hàng nghìn người, dù sân bay chính của Sudan vẫn đóng cửa.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giao tranh bùng phát tại Sudan kể từ ngày 15/4 đến nay đã khiến 420 người thiệt mạng và hơn 3.700 người bị thương.