Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời tiết trong cả nước khá đẹp, thích hợp với các hoạt động ngoài trời. Các điểm tham quan, khu vui chơi du lịch đều đông khách. Để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều sự kiện hấp dẫn, làm tốt công tác tổ chức, bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu vui chơi tại huyện Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh NGỌC TUẤN)
Một khu vui chơi tại huyện Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh NGỌC TUẤN)

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các di tích trên địa bàn Hà Nội luôn chật kín khách du lịch, nhất là từ mồng 2 Tết, khi trời hửng nắng, ấm áp, phù hợp với các hoạt động đón Tết, vui xuân.

Nhiều sản phẩm mới thu hút khách du lịch

Hoàng thành Thăng Long là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Thủ đô. Từ ngày mồng 2 đến chiều mùng 4 Tết, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón 50 nghìn lượt khách. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức không gian trưng bày giới thiệu Lễ Chính đán thời Lê Trung hưng. Đây là một nghi lễ triều hội, là dịp nhà vua, hoàng tộc và trăm quan gặp gỡ nhau ngày đầu năm mới, cùng chúc tụng cho nhà vua trường thọ, nhân dân ấm no yên vui. Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng là địa chỉ du xuân quen thuộc của du khách gần xa.

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 1

Du khách trải nghiệm không gian “Làng Tết xưa” tại điểm du lịch Happy Land Mộc Châu. Ảnh: Luyện Ngọc Tuấn.

Trong bốn ngày Tết, di tích này đã đón 90 nghìn lượt người đến tham quan và tham gia Hội chữ. Nhiều thời điểm khách phải xếp hàng dài chờ đến lượt mua vé. Để bảo đảm cho du khách tới di tích đón Xuân trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ động phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, giải tỏa ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ… tại Hồ Văn và khu vực Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian diễn ra Hội chữ.

Dịp này, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khá nhộn nhịp. Theo Sở Du lịch Ninh Bình, từ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến mồng 3 Tết, Ninh Bình đã đón gần 235 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và trong nước. Riêng ngày mồng 3 Tết, lượng khách tăng đột biến với gần 110.000 lượt người. Các khu, điểm du lịch thu hút đông khách là khu du lịch Tràng An, chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Thung Nham, phố cổ Hoa Lư.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, địa phương và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch nhằm gia tăng những trải nghiệm mới, tạo điểm nhấn để thu hút đông đảo du khách. Đơn cử như ngay trước Tết Giáp Thìn, tỉnh đã đưa sản phẩm du lịch mới “Không gian văn hóa Khê Cốc” vào hoạt động. Đây là một địa danh mới nằm trong vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An; nơi đây phục dựng, tái hiện sinh động về cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An.

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 2

Trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, Làng du lịch Tân Hóa đón hàng trăm khách đến tham quan, du xuân mỗi ngày. Ảnh: Hương Giang.

Tại Sơn La, không khí du xuân đông vui, náo nhiệt khi nhiều du khách đến trải nghiệm tại các khu điểm du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch nghỉ dưỡng rừng thông bản Áng, điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Thác Dải Yếm, khu du lịch Mộc Châu Island và các bản du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cộng đồng tại xã vùng cao Tà Xùa hay trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái, H’Mông tại xã Ngọc Chiến.

Chị Cao Thu Trâm, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi lựa chọn đón Tết tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Đây là một trải nghiệm thú vị với một không gian đón Tết thật yên bình, không khí trong lành cùng những món ẩm thực đậm sắc văn hóa dân tộc Thái, hòa mình trong suối khoáng nóng cùng những người dân thân thiện.

Tại Quảng Bình, lượng khách du lịch dịp Tết đạt hàng trăm nghìn lượt. Một số cơ sở lưu trú hạng sang, có phong cảnh đẹp có tỷ lệ khai thác phòng trong dịp Tết đạt hơn 90%. Hoạt động du lịch trên địa bàn diễn ra an toàn, chu đáo và thân thiện.

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 3

Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) tấp nập khách tham quan, xin chữ trong những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn. Ảnh: Chí Dũng.

Tại các khu, điểm tham quan du lịch của Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, động Thiên Đường hoặc điểm đến của Công ty Chua me đất (Oxalis) bên cạnh các dịch vụ tham quan, trải nghiệm thông thường còn có các không gian đón Tết làng Việt bắt mắt, tạo thêm điểm check-in độc đáo cho du khách. Chẳng hạn, khi đến với Chày Lập Farmstay, du khách được tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, đi thăng bằng qua cầu kiệu, chuyền thẻ, đi cà kheo… Đặc biệt trong Tết năm nay, khu nghỉ dưỡng thích ứng với biến đổi khí hậu Tú Làn Lodge và các homestay nhà nổi ở đây lần đầu đón khách đến trải nghiệm và lưu trú.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn cho biết, từ cuối tháng Chạp năm Quý Mão, khi tiết trời vừa ấm lên, làng Tân Hóa đã chộn rộn chuẩn bị đón khách đến chơi dịp Tết. Ông Trương Xuân Dương, người dân ở Thôn 1-Yên Thọ, xã Tân Hóa chia sẻ, nhờ làm homestay, gia đình ông mỗi tháng có thêm thu nhập từ 7 triệu đến 10 triệu đồng.

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 4

Hoàng thành Thăng Long tấp nập khách tham quan trong những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn. Ảnh: Chí Dũng.

Từ trước Tết, homestay của gia đình ông đã có khách đặt phòng, gia đình cũng chuẩn bị đầy đủ vật phẩm để mời khách ăn Tết cùng. Tổng Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á cho biết, trong bốn ngày Tết Giáp Thìn, gần như toàn bộ phòng nghỉ ở Tú Làn Lodge kín chỗ, chưa kể mỗi ngày có từ 300 đến 500 lượt khách đến tham quan, du xuân Làng du lịch Tân Hóa.

Đại diện Công ty cổ phần lữ hành Vietluxtour tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2024, công ty mở hàng trăm tour trong và ngoài nước, trong đó có hàng chục sản phẩm du lịch trong nội đô như tour Biệt động Sài Gòn, Từ Sài Gòn xưa đến Thành phố Hồ Chí Minh nay, Quận 1-Sắc màu đêm, Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn…

Dịp Tết Nguyên đán, công ty tổ chức tour “Tây ăn Tết ta” mang đến cho du khách quốc tế trải nghiệm văn hóa Tết truyền thống của người Việt. Tham gia tour, du khách được thưởng thức các món ăn ngày Tết như bánh tét, bánh chưng, thịt kho, dưa kiệu… và nhận lì xì theo phong tục của người Việt.

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 5

Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Đồng Hới. Ảnh: Hương Giang.

Các công ty lữ hành ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh như các tour: Du xuân Thủ Đức; Xuân về trên bến Bình Đông; Ăn Tết cùng người nổi tiếng; Bến Bình Đông-Phú Mỹ Hưng-Xe buýt hai tầng; Thưởng ngoạn sông Sài Gòn bằng buýt sông hai tầng, Ngắm thành phố về đêm trên xe buýt mui trần hai tầng; Tour xe đạp-Ngày bình yên trên vùng đất thép; Cần Giờ- Lắng nghe hơi thở của rừng…

Trong những ngày Tết, rất nhiều lượt du khách đã đến An Giang vui chơi, hành hương đầu năm tại các vùng núi. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang thông tin, lượng khách tham quan tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh từ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến mồng 3 Tết (ngày 7 đến 12/2) ước đạt hơn 320.000 lượt người.

Khu du lịch Quốc gia Núi Sam (thành phố Châu Đốc) với nhiều thắng cảnh tập trung tại triền núi Sam như Miếu Bà Chúa xứ, chùa Hang, chùa Tây An, lăng mộ Thoại Ngọc Hầu... luôn thu hút đông đảo du khách về hành hương, du xuân. Khu du lịch Núi Cấm và Rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên) đón hơn 40.000 lượt khách; hơn 17.000 lượt khách đến tham quan đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn)...

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 6

Khách du lịch check-in ở khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge xã Tân Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Hương Giang.

Bảo đảm chất lượng các hoạt động du lịch

Để bảo đảm chất lượng các hoạt động du lịch, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu xuân, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành… Tại huyện Mỹ Đức, ngày mồng 6 Tết mới chính thức khai hội Chùa Hương, nhưng từ ngày 30 Tết đến mồng 2 Tết đã có khoảng 20 nghìn lượt du khách đến chiêm bái di tích này. Ban Tổ chức bố trí khoảng 200 người thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh.

Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội tiếp tục đổi mới công tác tổ chức bảo đảm an toàn, văn minh, thân thiện. Giá các dịch vụ niêm yết công khai, không có hiện tượng tự ý nâng giá. Xã Hương Sơn đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách nhằm hạn chế tình trạng chèo kéo, xin xỏ trong quá trình vận chuyển. Sở Du lịch Ninh Bình đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký và niêm yết giá, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn, chú trọng công tác phòng chống cháy nổ… trong những ngày tới, khi lượng khách đến Ninh Bình du xuân dự kiến tăng cao.

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 7

Chùa Hoằng Phúc - địa chỉ du lịch tâm linh được người dân và du khách lựa chon trong những ngày du xuân đầu năm. Ảnh: Hương Giang.

Theo số liệu của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, khách quốc tế đến thành phố trong dịp Tết Nguyên đán ước đạt khoảng 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Khách tại các khu, điểm du lịch, các tụ điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt khoảng 1,8 triệu lượt, tăng 5,9%; doanh thu ước đạt khoảng 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy lượng khách đến đông, nhưng tình hình an ninh, trật tự và an toàn cho du khách được bảo đảm. Các cơ sở kinh doanh đã triển khai các chính sách giảm giá, ưu đãi cho khách du lịch sử dụng dịch vụ; công tác bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở được đơn vị duy trì trong tình trạng hoạt động tốt nhất. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được bảo đảm trong quá trình chế biến thức ăn và cung cấp thực phẩm cho khách du lịch.

Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) thông tin, tính từ mồng 1 đến mồng 3 Tết, thành phố đón 251.943 du khách, tăng 19,96% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách đến Châu Đốc đông, nhưng nhờ làm tốt công tác phân luồng giao thông nên không xảy ra ùn tắc, tai nạn. Cùng với đó, công tác an ninh trật tự luôn bảo đảm, cho nên hạn chế tình trạng người bán hàng rong chèo kéo du khách mua nhang đèn, gạo, muối cúng Bà Chúa xứ với giá cao. Thành phố Châu Đốc đẩy mạnh việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, nạn ăn xin làm phiền du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều điểm du lịch làm tốt công tác quảng bá, triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch, vẫn còn một số điểm du lịch tại một số địa phương do thiếu sự đổi mới, sáng tạo, hoặc huy động nguồn lực còn khó khăn, cho nên chưa thu hút du khách.

Các điểm du lịch tấp nập khách du xuân ảnh 8

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút đông đảo du khách đến thưởng lãm. Ảnh: Võ Mạnh Hảo.

Ghi nhận sáng mồng 4 Tết tại các khu, điểm du lịch sinh thái thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, có ít khách tham quan. Nhiều du khách cho rằng, các khu, điểm du lịch sinh thái thiếu sự đổi mới, sáng tạo. Hình thức hoạt động của phần đông các khu, điểm du lịch sinh thái là bán vé vào cổng tham quan, nhưng lại mời khách vào các chòi, tum ngồi và bán thức ăn, thức uống…

Cũng trong sáng mồng 4 Tết, tại các tuyến đường chung quanh chợ nổi Cái Răng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, xuất hiện đội ngũ “cò” du lịch. Mỗi lần nhìn thấy ô-tô biển số của tỉnh, thành phố khác đi qua khu vực này là “cò” liền lao xe máy bám đuổi, chào mời dẫn đường đi chợ nổi Cái Răng.

Hành động này đã vấp phải sự phản ứng của nhiều lái xe, của số đông du khách. Một số “cò” quán ăn quanh khu vực này cũng có hình thức hoạt động tương tự, gây bất bình cho du khách. Tình trạng này cần được các lực lượng chức năng của thành phố Cần Thơ khắc phục ngay.