Các địa phương tập trung phòng chống bão số 5

NDO -

Do ảnh hưởng bão số 5, trên địa bàn các tỉnh khu vực miền trung đã có mưa nhỏ ở nhiều nơi. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, các tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bão tránh thiệt hại.

Nhiều tàu thuyền của huyện Gio Linh về trú bão an toàn.
Nhiều tàu thuyền của huyện Gio Linh về trú bão an toàn.

Sáng 17-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 5, tỉnh đã liên lạc, thông báo cho 2.312 chủ tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển có khả năng bị ảnh hưởng kịp thời chủ động tránh, trú tại những khu trú ngụ tàu thuyền của tỉnh, cũng như các nơi trú ngụ của những địa phương khác.

Sau khi liên lạc, đã có 90/2.313 tàu thuyền với gần 800 thuyền viên về neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão của tỉnh, trong đó, có bốn tàu thuyền với 29 lao động ngoại tỉnh.  

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Trị có công điện khẩn thông báo cho chủ tàu thuyền còn lại trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để sớm tránh khỏi khỏi khu vực nguy hiểm; cũng như cập nhật, hướng dẫn tàu thuyền vào các điểm tránh, trú an toàn để ngư dân cùng người thân của họ ở trên bờ yên tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, chủ tàu xa bờ Bùi Đình Còng ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, khai thác cá ở khu vực biển trường Trường Sa, Hoàng Sa cho biết, nhờ công tác dự báo sớm nên các chủ tàu đã cập nhật thường xuyên diễn biến của bão, các tàu cá của Quảng Trị mùa này chủ yếu đánh cá ở hai khu vực trên nên đã kịp thời về trú ẩn an toàn tại các khu neo đậu tàu thuyền của các tỉnh Quảng Nam, Quãng Ngãi...

Quảng Trị tạm hoãn cuộc họp các cấp, tập trung phòng chống bão số 5 -0
 Ngư dân Quảng Trị tập trung neo tàu thuyền vững chắc trước khi bão vào.

Trong một diễn biến khác, toàn tỉnh Quảng Trị còn gần một nghìn ha lúa hè thu chưa kịp tu hoạch, tập trung chủ yếu ở huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà. Đây là các diện tích lúa bị ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, thiếu nước nên thời gian sinh trưởng kéo dài hơn so với mọi năm.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ có thể gây ra với con người và diện tích lúa hè thu, cũng như hoa màu chưa thu hoạch xong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng quân đội, công an tập trung giúp dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn, kể cả thu hoạch ban đêm các diện tích lúa và hoa màu còn lại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, hoàn thành trong ngày 18-9, trước khi bão vào như dự kiến.

Đồng thời chủ động có phương án phòng, chống bão, lũ kịp thời, khoa học, vì sau bão thường xuất hiện mưa lũ lớn; khẩn trương đưa người dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn tránh trú bão. Với những vùng chuyên sản xuất rau màu, khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng để hạn chế bị ngập úng. Cập nhật thường xuyên về diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những tình huống bất lợi do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây ra.

Tỉnh Quảng Trị tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết của các cấp từ chiều ngày 17-9, nhằm tập trung cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống bão số 5. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 18-9 nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng, chống bão tại trường học. Đối với công tác di dời dân, các địa phương, nhất là vùng dọc bờ biển phải khẩn trương thực hiện, không chủ quan, phải hoàn thành trước 20 giờ ngày 17-9.

* Chiều 17-9, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.

Các địa phương tập trung phòng chống bão số 5 -0 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác đã kiểm tra trực tiếp tại khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thuận An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó bão số 5 của chính quyền, ban ngành địa phương; đồng thời lưu ý, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, dự kiến thời gian đổ bộ trùng với thời điểm triều cường, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại miền trung (nơi có địa hình có độ dốc lớn); diễn biến của bão phức tạp, cần đề phòng bão đổi hướng, ảnh hưởng đến ven biển và đất liền sớm hơn dự báo, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương triển khai các công tác ứng phó, không được chủ quan và cần thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân khi bão đổ bộ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khoảng thời gian “vàng” để các cấp, ngành triển khai các giải pháp bảo vệ sản xuất và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân; đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh cùng lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm đếm tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên, có biện pháp kêu gọi, hướng dẫn để ngư dân vào nơi tránh trú an toàn và kiểm soát chặt chẽ việc ra vào cửa biển của tàu thuyền.

Các địa phương tập trung phòng chống bão số 5 -0
Người dân thôn Ma Nê, xã Phong Chương, huyện Phong Điền đến khu tập
trung để tránh bão. 

Phó Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh phải có phương án cụ thể, trước hết phải bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền trên biển cũng như bảo đảm an toàn cho người dân. Các ban, ngành kiểm tra lại tất cả các tàu thuyền, xem còn tàu thuyền nào neo đậu bên ngoài thì yêu cầu vào khu neo đậu; tập trung neo đậu tốt, tránh những hư hỏng cũng như thiệt hại. Đồng thời, bảo đảm an toàn cho công tác nuôi trồng thủy sản ở lồng bè, chòi canh; tăng cường rà soát tất cả khu vực nguy hiểm, sạt lở, ngập sâu, không được để người dân ở lại khu vực này.

Tại Thừa Thiên Huế, đến chiều 17-9, thời tiết đã bắt đầu có mưa, nhất là khu vực ven biển. Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện còn chín phương tiện tàu thuyền đang trên đường vào đất liền. Tỉnh Thừa Thiên Huế có hai cảng cá, năm khu neo đậu tàu thuyền và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền. Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Hải có sức chứa lớn, đảm bảo hơn 500 tàu thuyền loại từ 20CV trở lên. Ngoài ra, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang hiện ở mức thấp và bảo đảm an toàn, sẵn sàng đón lũ.

Trưa 17-9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện khẩn số 8411/UBND-GD về việc cho học sinh nghỉ học để chủ động ứng phó với bão số 5. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT nghỉ học trong hai ngày 18 và 19-9. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, TP Huế thông báo cho các trường học trực thuộc cho học sinh nghỉ học theo thời gian trên. Đồng thời, chỉ đạo các trường có kế hoạch, biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, chủ động ứng phó khi có mưa bão xảy ra, tuyệt đối không để thiệt hại về người; nhắc nhở học sinh không được đến nơi có vũng nước sâu, dễ sạt lở, không tụ tập bạn bè ra ngoài trong thời điểm mưa bão, không đến các khu vực sông, suối, hồ, nơi có vùng nước nguy hiểm… phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 28.100 hộ dân với trên 106.600 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5 sẽ phải sơ tán tại chỗ hoặc sơ tán tập trung; dự kiến công việc này sẽ hoàn tất trước 19 giờ ngày hôm nay 17-9. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã lên phương án đảm bảo an toàn thông tin liên lạc, an toàn điện lưới, dự trữ hàng hóa thiết yếu, quản lý an toàn các công trình hồ đập đang xây dựng.

Đến 22 giờ ngày 17-9, toàn tỉnh đã di dời 3.267/8.833 khẩu, đặc biệt là các cụ già, trẻ em.

Vào lúc 20 giờ, tại xã ven biển Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, cán bộ xã vẫn đội mưa đến từng nhà để nhắc nhở người dân đưa cụ già, trẻ em đến điểm sơ tán tập trung. Với những hộ sống trong khu vực có nhà kiên cố, các cán bộ thôn tổ chức cho người dân sơ tán từ nhà thấp đến nhà cao, từ nhà yếu đến nhà kiên cố.

Theo lời cán bộ xã, bà con đã mang theo chiếu, chăn và một số nhu yếu phẩm cần thiết để sử dụng trong những ngày tránh mưa bão. Có 14 hộ dân ở nhà chồ trên sông Ô Lâu tuy vừa giải tỏa, bà con chưa kịp làm nhà mới, lần này xã cũng bố trí di dời vào hộ ở nhà cao để tránh mưa bão.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Từ lúc có thông tin bão vào Thừa Thiên Huế, địa phương đã huy động cách tổ chức chính trị xã hội đến giúp các hộ neo đơn, người già chằng chống nhà cửa và tiến hành sơ tán dân. Đến nay, đã sơ tán được 100% hộ dân ra khỏi vùng xung yếu. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã bố trí lương thực, thuốc men để hỗ trợ người dân tại các điểm tập trung trong thời gian trú tránh bão”.

Các địa phương tập trung phòng chống bão số 5 -0
Lãnh đạo huyện Phong Điền cùng các xã đến từng nhà kêu gọi người dân ra
khu tập trung tránh bão. 

Lực lượng biên phòng cũng đã kêu gọi 100% tàu thuyền vào bờ trú tránh an toàn. Toàn bộ hoa màu vụ hè thu đã được thu hoạch. Từ ngày 18-9, toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Đến thời điểm này, tỉnh đã triển khai các phương án phòng tránh bão số 5. Lúc này, chúng tôi không lo về nước lũ mà lo gió lớn gây thiệt hại các vùng dân cư ở các điểm xung yếu. Ngoài ra cũng lo mưa lớn làm hư hỏng một số công trình giao thông".

Trong chuyến thị sát trưa nay tại Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác sẵn sàng ứng phó bão số 5 của Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, đồng chí vẫn nhắc các đơn vị không được chủ quan, chú ý bảo đảm an toàn cho người dân trước, trong và sau bão, đặc biệt là những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tuyệt đối không được để người dân nào bị đói, rét, không ai phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất khi bão đi qua.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh nỗ lực của chính quyền các cấp và quân đội, người dân cũng phải có kế hoạch chủ động để phòng tránh bão. Để làm tốt điều này, đầu tiên phải có thông tin. Vì thế người dân cần nắm bắt thông tin bão số trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh theo kế hoạch, phương án mà chính quyền cơ sở đã vạch sẵn. Tuyệt đối không được chủ quan.

* Từ đêm qua đến chiều 17-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa nhỏ ở nhiều nơi. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bão ngay từ khi có Công điện số 10/CĐ-TW (ngày 15-9-2020) của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.

Có mặt tại vùng biển xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) khoảng 5 giờ sáng nay (17-9), chúng tôi ghi nhận bãi biển vắng ghe thuyền đánh bắt, neo đậu ngoài biển. Tuy chưa có mưa và gió lớn, nhưng sóng đánh vào bờ lớn hơn lúc thời tiết bình thường, nên phần lớn ghe nhỏ đánh bắt cá gần bờ đã được ngư dân kéo lên bờ neo giữ tránh thiệt hại. Cùng với đó, các tàu cá lớn cũng nhanh chóng di chuyển vào các ao thuyền để tránh trú bão. Riêng các tàu cá đánh bắt xa bờ, sau khi nhận được tin báo đã khẩn trương ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 5.

A_4-1600335002476.JPG
Tàu thuyền vào trú tránh bảo tại xã đảo Tân Hiệp (Hội An). 

Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến sáng 17-9, toàn tỉnh còn 318 tàu cá, với 3.752 lao động đang hoạt động trên vùng biển.

Cụ thể, tàu hoạt động xa bờ 173 tàu chiếc, với 3.050 lao động; trong đó tại khu vực Hoàng Sa: 89 tàu (với 742 lao động), hiện đã 65 tàu (với 563 lao động) đang chạy vào bờ tránh trú; 24 tàu (với 179 lao động) đã nhận được tin báo và đang tìm nơi tránh trú. Tại khu vực Trường Sa có 84 tàu (với 2.308 lao động) đã di chuyển vào các đảo thuộc quần đảo Trường Sa tránh trú. Ngoài ra, còn có 145 tàu (với 702 lao động) đang hoạt động gần bờ cũng đã tìm nơi trú ẩn, tránh bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tàu thuyền tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu bảo đảm an toàn.

Ngoài việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, Quảng Nam tăng cường kiểm tra các hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh. Hiện, có 17 hồ chứa nước thủy lợi vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Quảng Nam quản lý đều có mực nước xấp xỉ mực nước chết; 56 hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý đều cạn nước.

Đối với năm hồ thủy điện lớn như: Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 2 và Sông Bung 4 đều có mực nước cao hơn mực nước chết từ 1-3m

A_3_1-1600335002973.jpg
 Chặt tỉa cây cối trước khi bão đến.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 ha nuôi cá nước ngọt, 1.300 lồng nuôi cá trên sông và trong lòng hồ thủy điện, khoảng gần 1.000 ha nuôi trồng thủy sản (chủ yếu tập trung ở Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên và Hội An)…

Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương huy động lực lượng giúp người dân khẩn trương thu nhanh diện tích lúa hè thu, chằng chống nhà cửa; khẩn trương rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão. Các địa điểm lũ ống, lũ quét phải sơ tán dân gấp trước 15 giờ hôm nay.

Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm việc với các đơn vị thi công cảng cá và kè Hội An khẩn trương có phương án bảo đảm an toàn công trình.

Đồng thời đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát giao thông đường thủy yêu cầu tất cả tàu bè trên sông không di chuyển sau 12 giờ trưa 17-9 và tổ chức neo đậu an toàn.

Được biết, sáng 17-9, Sở GD và ĐT đã có Công văn yêu cầu trưởng Phòng GD và ĐT huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú; Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh thông báo cho học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên nghỉ học trong ngày 18-9, đề phòng bão số 5. Đồng thời có kế hoạch chằng chống phòng học, nhà làm việc, nhà kho và các công trình xây dựng khác, bảo đảm an toàn hệ thống điện, thiết bị, tài liệu thư viện và các tài sản khác…

* Chiều 16-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Đà Nẵng có công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương tên địa bàn, yêu cầu khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng tránh, ứng phó mưa bão.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 3-4-2020 của Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; triển khai phương án phòng chống và khắc phục hậu quả mưa bão theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.

Đến sáng 17-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện tổ chức bắt đầu tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, chủ động các xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đà Nẵng khẩn trương ứng phó bão số 5 -0
 Hàng nghìn tàu cá đã neo đậu an toàn ở âu thuyền tránh bão Thọ Quang.

Sáng 17-9, dọc theo bãi biển các phường Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), lực lượng biên phòng, công an, đoàn thanh niên thành phố… đã cửa lực lượng giúp ngư dân đưa tàu, thuyền, thúng chai lên bờ, chằng chống an toàn, hạn chế thiệt hại.

Trưa 17-9, hàng nghìn tàu thuyền đã neo đậu, chằng buộc an toàn; ngư lưới cụ được đưa về cất giữ. Tại âu thuyền Thọ Quang, hàng nghìn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng và các địa phương lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã vào trú tránh, chằng buộc an toàn để tránh bão.

Đà Nẵng khẩn trương ứng phó bão số 5 -0
 Neo buộc ngủ lưới cụ để mang lên bờ.

Tại khu vực biển Thọ Quang, hằng ngày có khoảng 500 tàu thuyền các loại của ngư dân quận Sơn Trà neo đậu. Ngay sau khi có công điện của thành phố, phường Thọ Quang đã kêu gọi di chuyển khoảng 300 tàu thuyền loại lớn qua tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang.

“Ngoài việc hỗ trợ ngư dân đưa thuyền, ngư cụ lên bờ, lực lượng chức năng phường cũng nhanh chóng kêu gọi các tàu thuyền vào bờ trú, tránh bão; neo buộc các tàu, thuyền cẩn thận để tránh va đập vào nhau gây hư hại nếu bão đổ bộ. Ngư dân tại đây rất có kinh nghiệm phòng, chống bão, nhưng không vì thế mà chủ quan”, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Võ Đình Công cho hay.

Đà Nẵng khẩn trương ứng phó bão số 5 -0
 Cắt tỉa cây xanh trên đường phố Đà Nẵng.

Người dân Đà Nẵng cũng nhanh chóng thực hiện chằng, chống nhà cửa cẩn thận. Những bao cát được đóng và mang lên chèn mái nhà; nhiều cây xanh lớn trên đường được cắt tỉa để tránh gãy, đổ; các công trình đang thi công xây dựng cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao.

Trong buổi sáng 17-9, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế tại các khu vực thấp trung, các công trình trọng điểm. Tại công trường thi công cầu vượt phía tây cầu Trần Thị Lý, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các nhà thầu và chủ đầu tư chằng chống tường rào bằng tôn, không để bị sập, không để gió bão thổi bay có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện, tài sản người dân chung quanh.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang, yêu cầu Ban quản lý và Sở NN-PTNT phối hợp lực lượng biên phòng, công an sắp xếp vị trí neo đậu, chằng buộc tàu thuyền an toàn và buộc di dời tất cả ngư dân khỏi tàu trước 20 giờ tối 17-9.

Chiều 17-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn, kiểm tra rà soát toàn bộ công tác triển khai phòng tránh, ứng phó với bão số 5.

Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, âu thuyền Thọ Quang có thiết kế đủ chỗ neo đậu cho 700 tàu thuyền, nhưng thời điểm hiện tại có hơn 1.200 tàu cá của Đà Nẵng và các địa phương bạn vào neo đậu. Vì thế, một số tàu được yêu cầu di dời theo sông Hàn lên phía thượng nguồn để neo đậu.

Ngoài ra, hiện có 28 tàu dịch vụ xăng dầu đang neo đậu chung với tàu cá ở âu thuyền Thọ Quang, nếu xảy ra sự cố chìm tàu, cháy nổ thì có thể gây cháy lan hàng nghìn tàu cá đều bằng gỗ đang neo đậu. Để bảo đảm an toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh giao ngay lực lượng biên phòng thành phố chủ trì, cùng các đơn vị, ban ngành ngay trong chiều tối 17-9, di dời 28 tàu dịch vụ xăng dầu ra khởi khu vực âu thuyền Thọ Quang, neo đậu tách biệt ở khu vực cảng Tiên Sa hoặc bờ sông Hàn, tránh thiệt hại nếu sự cố cháy nổ xảy ra do bão lớn.

Cũng theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, công tác di dời hơn 70.000 người dân ở các vùng ven biển, thấp trũng, nguy cơ sạt lở… phải hoàn thành trước 20 tối 17-9. Những tàu thuyền vào bờ trong chiều và đêm 17-9 sẽ di dời lên phía thượng nguồn sông Hàn để neo đậu, tránh trú an toàn.

Đà Nẵng khẩn trương ứng phó bão số 5 -0
 Cuộc họp khẩn chiều 17-9 của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng. 

Tối 17-9, hàng nghìn hộ dân sống tại các khu vực sẽ bị ảnh hướng lớn nếu bão độ bộ vào Đà Nẵng, đã được chính quyền địa phương vận động, di dời đến địa điểm trú, tránh bão an toàn.

Từ chiều tối 17-9, thực hiện theo yêu cầu của UBND thành phố Đà Nẵng về phương án phòng chống bão số 5, các lực lượng, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã thực hiện di dời người dân tại các khu vực dự kiến chịu thiệt hại lớn khi bão số 5 đổ bộ. 

Tối 17-9, trời bắt đầu mưa nặng hạt, tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), công tác di dời người dân được thực hiện khẩn trương. Để bảo đảm an toàn cho người dân, địa phương đã đến những hộ gia đình có nguy cơ thiệt hại lớn do bão số 5 thực hiện tuyên truyền, vận động người dân đến địa điểm được phường bố trí sẵn. Phường đã trưng dụng Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) để đưa bà con nhân dân đến tránh bão.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, theo dự kiến, địa phương sẽ thực hiện di tản 30 hộ dân trên địa bàn phường đến nơi trú đã được bố trí sẵn. Công tác di dời dân được triển khai nhanh chóng, bảo đảm vừa phòng tránh bão, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi yêu cầu người dân sử dụng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn và bảo đảm giãn cách phòng chống dịch theo quy định. Ngoài việc di chuyển, sơ tán dân, phường đã thuê xe bán tải vận chuyển cát đến các địa điểm tập trung khu vực nhà dân cần gia cố chống bão, tạo điều kiện cho bà con nhân dân chằng chống nhà cửa, gia cố các  điểm  xung  yếu,  thấm  dột,  nhất là  các  nhà  tạm,  nhà  không  kiên  cố,  khu  chung  cư;  bảo đảm;  lưu  ý  phải  hết  sức  cẩn thận.

_1-1600356359327.jpg
Phường Nại Hiên Đông đưa người dân đến nơi tránh bão an toàn.  

Là một trong những gia đình được di tản sớm đến địa điểm Trường THCS Phạm Ngọc Thạch để tránh bão, bà Lê Thị Hoa Lệ (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, gia đình bà có tất cả sáu người nhưng vì hoàn cảnh nên ngôi nhà của chị không được kiên cố, nếu bão vào sẽ không đảm bảo an toàn. Khi được phường đến thông báo, gia đình chấp hành ngay và yên tâm đến nơi trú tránh bão.

Trước đó, như tin đã đưa, chiều 17-9, tại cuộc họp bàn phương án phòng chống bão số 5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu các lực lượng, ban, ngành, địa phương phải hoàn thành di dời 72.000 người dân tại các khu vực dự kiến chịu thiệt hại lớn khi bão số 5 đổ bộ trước 20 giờ cùng ngày. Theo đó, Đà Nẵng có hơn 19.000 hộ (khoảng 62.500 người) phải sơ tán cùng hơn 9.500 sinh viên, công nhân. Đối với các hộ nuôi cá lồng bè trên các sông, vịnh, Đà Nẵng yêu cầu neo đậu và di dời người trên các lồng bè lên bờ an toàn trước 20 giờ. Lực lượng chức năng yêu cầu tất cả tàu cá còn hoạt động ven bờ, cần khẩn trương gọi về tránh trú bão, hướng dẫn cho tàu cá tại khu vực Hoàng Sa tìm nơi tránh bão an toàn.

* Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các ngành, địa phương và lực lượng vũ trang hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Hiện, Quảng Bình chưa có mưa, nhiều nơi có nắng và oi bức, dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của bão sắp đến gần. 

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đến chiều 17-9, toàn tỉnh có 6.333 tàu thuyền với 21.437 lao động trên. Hiện nay vẫn còn 226 phương tiện/1.504 ngư dân đang trên biển nhưng đã nhận được thông tin, đang tìm đường tránh trú bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong đã đến các khu vực xung yếu kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5, chỉ đạo UBND các địa phương ven biển thông báo, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, trụ sở, cắt tỉa cây xanh, bảo đảm an toàn đối với các công trình cao tầng, công trình đang xây dựng. Chiều nay, Sở GD và ĐT Quảng Bình cho học sinh các cấp trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học để phòng, chống bão số 5.

A1_PHO_CHU_TICH_TINH_QUANG_BINH_-1600335682694.jpg
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Phong (áo trắng) kiểm tra công tác phòng, chống
bão số 5.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, tuy đây là cơn bão đầu mùa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến miền trung trong năm 2020 trong điều kiện nắng nóng kéo dài đến nay, nhưng không vì thế mà người dân Quảng Bình chủ quan. Kinh nghiệm nhiều năm ứng phó với bão đã giúp cho người dân có tâm thế khá vững vàng khi chủ động phòng, chống bão lũ.

A3_NGU_DAN_CHANG_BUOC_DAY_CAN_TH-1600335683183.jpg
Ngư dân chằng buộc dây cẩn thận trước khi bão đổ bộ.

Hiện, ở thành phố và các huyện, thị xã, người dân chủ động dùng bao cát để chèn lên mái tôn, cắt tỉa cây xanh, buộc lại các cửa. Công nhân cắt tỉa cây, thu hết hệ thống điện trang trí đường phố. Ngư dân đưa toàn bộ thuyền nhỏ lên bờ, tàu lớn vào khu neo đậu an toàn.

Chiều nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác đến Quảng Bình kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5.

*Từ 13 giờ ngày 17-9, tỉnh Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại.

Các địa phương tập trung phòng chống bão số 5 -0
Ngư dân Quảng Ngãi đưa tàu cá vào bờ tránh trú bão số 5.

Để chủ động ứng phó kịp thời với bão số 5 và các tình huống thiên tai khi có mưa, bão, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý đến công tác kiểm soát, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão; tổ chức di dời người dân hoạt động trên biển và di chuyển, gia cố các lồng bè nuôi thủy sản trên biển trước khi bão vào gần bờ. Từ 13 giờ ngày 17-9, cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại).

Tại huyện đảo Lý Sơn, công tác ứng phó bão số 5 được chính quyền và người dân triển khai quyết liệt. 480 tàu cá của ngư dân huyện đảo đã cập đảo để tránh trú bão; 46 lồng bè nuôi thủy sản được đưa về cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn. Sáng 17-9, Ban Quản lý cảng Lý Sơn và Sa Kỳ bố trí hai chuyến tàu đưa khoảng 300 du khách rời đảo Lý Sơn vào đất liền và hai chuyến tàu đưa khoảng 150 hành khách từ đất liền trở về lại Lý Sơn.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 15 giờ 30 ngày 17-9, có hơn 4.500 tàu cá của tỉnh và các tỉnh bạn vào neo đậu tránh trú bão tại năm cảng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là có 576 tàu với 5.515 lao động. Trong đó, có 76 tàu với 515 lao động đang ở trong vùng nguy hiểm đã được cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn tìm nơi tránh trú.

* Chiều 17-9, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy điện; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo đó, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể tại địa phương.

Phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố bám sát địa bàn các xã xung yếu để kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó bão, mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Kiểm tra, rà soát và sẵn sàng các phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các hồ xung yếu, thông báo cho người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét và có phương án sơ tán, di dời khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra.

Tổ chức kiểm tra hệ thống cầu treo dân sinh bị hư hỏng, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn để có giải pháp xử lý, khắc phục sửa chữa kịp thời theo thẩm quyền quản lý nhằm đảm bảo giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai.

Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai ba đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra công tác chống bão tại Nghệ An - Hà Tĩnh; Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng - Quảng Nam.

Bão số 5 có tên quốc tế Noul có khả năng mạnh thêm đang tăng tốc hướng về bờ, dự kiến đến trưa ngày 18-9 sẽ vào bờ biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. 

Thực hiện Công điện chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Công điện của Bộ Giao thông vận tải, để chủ động ứng phó với bão số 5 đối với ngành hàng hải,  ngày 17-9, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Cục với các cơ quan, đơn vị trực thuộc phạm vi từ Thanh Hóa đến Bình Thuận về triển khai kế hoạch phòng chống, ứng phó bão. 

Các địa phương tập trung phòng chống bão số 5 -0
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão tại khu vực cảng biển Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Tại cuộc họp, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đã yêu cầu các Đài thông tin duyên hải thường xuyên phát thông báo bão cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão để chủ động tránh, trú an toàn, các cảng vụ hàng hải báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống bão tại khu vực, khẩn trương rà soát điều động tàu thuyền trong khu vực đến nơi tránh trú bão an toàn, đồng thời theo dõi sát đường đi của bão để khuyến cáo, điều động tàu thuyền, không cho tàu đi vào khu vực nguy hiểm. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam triển khai ngay hoạt động chốt chặn để tổ chức cứu nạn ngay khi có yêu cầu.

Ngay sau đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai ba đoàn công tác do Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cùng các đồng chí Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt và Nguyễn Hoàng dẫn đầu với sự tham gia của các phòng tham mưu và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam trực tiếp đi kiểm tra công tác chống bão tại Nghệ An - Hà Tĩnh; Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng - Quảng Nam.

Sau khi kiểm tra thực tế tại các khu vực; tình hình di chuyển, diễn biến của cơn bão số 5 và nghe báo cáo kế hoạch triển khai phòng chống bão của các đơn vị, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao sự chủ động trong công tác ứng trực, phòng chống cơn bão số 5. 

Cục trưởng chỉ đạo các cảng vụ khẩn trương hoàn tất các công tác kiểm tra, bố trí nơi neo đậu tàu thuyền và di dời các tàu đi tránh trú ở nơi an toàn, rà soát các phương tiện có khả năng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Đồng thời, Cục trưởng yêu cầu lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải luôn sẵn sàng, tham gia ứng phó nhanh nhất, sớm nhất trước những tai nạn sự cố có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất về người và tài sản do cơn bão số 5 gây ra.