Cơ hội mới cho ngành trồng trọt

Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2018 xăng sinh học E5 sẽ được bán đồng loạt trên toàn quốc. Đây là cơ hội mới cho ngành trồng trọt bởi trong số các cây trồng nông nghiệp, sắn, mía và cây dầu mè (Jatropha) được đánh giá là cây trồng có tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH).

Theo Trưởng phòng cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Hải, cây mía là cây trồng tiềm năng NLSH, dễ trồng, bộ giống mới phong phú, năng suất, chất lượng cao. Trong những năm gần đây, việc thâm canh mía đã có những chuyển biến tích cực, xuất hiện một số mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cho năng suất cao như sử dụng phân hữu cơ (20 tấn/ha); trồng cây họ đậu xen mía, bón phân tổng hợp trên đất đồi, góp phần đưa năng suất từ 100 đến 120 tấn/ha. Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong công tác thu hoạch, vận chuyển, chế biến mía nguyên liệu cũng được nâng lên, với tỷ lệ tiêu hao mía nguyên liệu hiện nay khoảng 10 mía/1 đường, và để thu được 1 lít cồn cần có 4 lít mật rỉ.

Cây sắn ở Việt Nam được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ. Từ lâu, tinh bột sắn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, với thị trường đầu ra tốt. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sắn, diện tích trồng sắn đứng thứ ba sau lúa và ngô. Vai trò của cây sắn đã và đang chuyển đổi nhanh chóng. Từ chỗ là cây lương thực cho con người, cũng là cây thức ăn gia súc quan trọng, nay trở thành cây công nghiệp và là nguyên liệu cho sản xuất NLSH có tốc độ phát triển cao trong những năm qua. Hiện diện tích sắn cả nước đạt gần 600 nghìn ha, năng suất đạt gần 20 tấn/ha, sản lượng đạt gần 12 triệu tấn/năm.

Cây dầu mè (cọc rào) là cây trồng dễ tính, có thể trồng được ở hầu hết các nước nhiệt đới và á nhiệt đới, độ cao từ 7 đến 1.600m so với mực nước biển, nhiệt độ bình quân năm từ 11 đến 28oC, lượng mưa/năm từ 520 đến 2.000 mm, chịu hạn, chịu đất xấu. Ở vùng đất dốc, đất nghèo kiệt, không trồng được các loại cây nông nghiệp khác, nhưng cây dầu mè vẫn phát triển tốt. Chu kỳ kinh tế của cây dầu mè từ 30 đến 50 năm, hạt dầu mè có hàm lượng dầu hơn 30% và 1 ha dầu mè thâm canh có thể thu hoạch 10 tấn hạt, từ đó sản xuất được 3 tấn đi-ê-den sinh học có chất lượng tương đương đi-ê-den hóa thạch. Hạt dầu mè sau khi ép dầu có thể sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi tốt vì chứa 30% prô-tê-in. Với điều kiện về tự nhiên và thổ nhưỡng, Việt Nam hoàn toàn thích hợp cho việc nghiên cứu phát triển cây dầu mè.

Triển khai thực hiện Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn 2025, từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án "Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây cọc rào (Jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến 2025", trong đó đề ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2008 - 2010 là trồng thử nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất thử ở các vùng sinh thái khác nhau đạt quy mô diện tích khoảng 30 nghìn ha; giai đoạn 2011 -2015 và tầm nhìn đến 2025 là từng bước mở rộng sản xuất quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, đến năm 2015 có thể đạt diện tích gây trồng trong cả nước khoảng 300 nghìn ha và định hướng tiềm năng đến 2025 có thể đạt diện tích 500 nghìn ha để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất NLSH. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các hạng mục trên đều chưa đạt được so với mục tiêu của đề án.

Để biến mục tiêu thành hiện thực, theo đồng chí Nguyễn Như Hải trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về sử dụng thương mại NLSH. Thực hiện tốt chính sách giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định cho hộ nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm đầu tư trồng mới cây nguyên liệu phục vụ sản xuất NLSH. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí một phần cho các doanh nghiệp chế biến NLSH đầu tư máy móc, trang thiết bị xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chế biến, tránh ô nhiễm môi trường.

Về lâu dài, để cây NLSH phát triển một cách bền vững cần ổn định diện tích gieo trồng. Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về giống, quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh, cũng như hỗ trợ kinh phí cho công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững và đạt hiệu quả cao, nhất là cần nhân nhanh các bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn mặn và phù hợp với công nghiệp chế biến. Có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu tập trung, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, rà soát quy hoạch các vùng sản xuất trên toàn quốc.

Các địa phương căn cứ vào quy hoạch chung, cần cụ thể hóa quy hoạch riêng của địa phương mình, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu sao cho vừa gắn với cơ sở sản xuất NLSH, vừa bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời khuyến khích các nhà máy, cơ sở sản xuất đầu tư vùng nguyên liệu áp dụng công nghệ chế biến theo hướng hiện đại nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị của cây trồng, tạo đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.