Các Đảng cực hữu nổi lên và cán cân chính trị tại châu Âu

NDO -

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa kết thúc, với kết quả khiến nhiều lãnh đạo các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) phải sững sờ và khuấy động chính trường châu lục này. Sơ bộ thống kê cho thấy, các Đảng cực hữu đã giành được sự ủng hộ vượt trội so với trước đó. Kết quả này khiến EU càng thêm lo ngại về cả những vấn đề đối nội và đối ngoại của khối này.

0:00 / 0:00
0:00
Nghị viện châu Âu. (Nguồn: 20minutes)
Nghị viện châu Âu. (Nguồn: 20minutes)

Kết quả sơ bộ mới được Nghị viện châu Âu (EP) công bố cho thấy, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) vẫn đứng đầu với 189 ghế (tăng 13 ghế so với nhiệm kỳ 2019-2024), Liên minh Đảng Xã hội và Dân chủ (SD) đứng thứ hai với 135 ghế (giảm 4 ghế), về thứ ba là Đảng Phục hưng châu Âu (RE) được 80 ghế (giảm 22 ghế), thứ tư là Liên minh Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) được 72 ghế (tăng 3 ghế), thứ năm là Liên minh khối Bản sắc và Dân chủ (ID) được 58 ghế (tăng 9 ghế), thứ sáu là Liên minh Đảng Tự do châu Âu & Xanh được 52 ghế (giảm 19 ghế), Liên minh lực lượng The Left-GUE/NGL được 36 (giảm 1 ghế), các đảng khác được 52 ghế.

Đáng chú ý, tại Pháp và Đức, phe cực hữu nổi trội trên chính trường. Đảng Mặt trận dân tộc (FN) tại Pháp do bà Marine Le Pen đứng đầu chiếm ưu thế với hơn 31,5% phiếu ủng hộ, vượt xa Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ được 14,6%.

Tại Đức, Đảng cực hữu Lựa chọn vì nước Đức (AfD) đứng thứ hai trong cuộc bầu cử EP với 15,9% phiếu bầu ủng hộ, so với Đảng Dân chủ Xã hội (DPD) của Thủ tướng Olaf Schold chỉ được 13% và Đảng Xanh cũng chỉ được 11,9%. Các Đảng cầm quyền ở một số nước như: Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha cũng chịu thất bại trong cuộc bầu cử EP.

Trong khi đó, Đảng Tự do (PVV) cực hữu ở Hà Lan hay Đảng Những người anh em Italia (FdI) cánh hữu ở Italia giành thắng lợi lớn.

Điều đáng nói và gây bất ngờ đối với châu Âu trong mùa bầu cử lần này là các Đảng cực hữu giành được đáng kể số phiếu ủng hộ và sẽ có được một số ghế quan trọng tại EP trong nhiệm kỳ mới, đó là Đảng Phục hưng châu Âu (RE), Liên minh Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) và Liên minh khối Bản sắc và Dân chủ (ID).

Kết quả nữa gây sốc trong kỳ bầu cử lần này là Đảng Phục hưng châu Âu (RE), tập trung số đông những người theo chủ nghĩa tự do, trong đó có các thành viên Đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và là lực lượng lớn thứ ba tại EP, với 102 ghế trong nhiệm kỳ 2019-2024, đã bị giảm tới 20 ghế.

Ở chiều ngược lại, Đảng cực hữu tại Pháp đã giành được tới 30 trên tổng số 81 ghế.

Kết quả không mong đợi này đã khiến Tổng thống Pháp E. Macron phải tuyên bố giải tán Quốc hội và yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử ngay vào cuối tháng sáu này.

Ơi
Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu. (Ảnh: Euronews)

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này không chỉ cho EU mà cũng là cuộc trưng cầu ý kiến đối với uy tín của chính Tổng thống Pháp về những điều sát sườn liên quan đời sống người dân nước này.

Cho dù các Đảng cực hữu có số phiếu ủng hộ tăng, nhưng các Đảng truyền thống châu Âu (theo đường lối trung dung) vẫn duy trì số cử tri ủng hộ. Chẳng hạn tại Đức, mặc dù Đảng của Thủ tướng nước này bị thất bại nhưng Đảng Dân chủ Xã hội vẫn bảo đảm số phiếu ủng hộ.

Điều đáng chú ý và quan trọng là Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu không những duy trì được mà còn giành thêm 9 ghế, giúp họ tiếp tục dẫn đầu và vẫn có sức ảnh hưởng nhiều nhất trong Nghị viện châu Âu. Kết quả này sẽ giúp EPP có thể liên minh dễ dàng với các Đảng dân chủ xã hội và phe cánh hữu tự do ủng hộ châu Âu để đạt được trên 360 ghế (chiếm đa số) tại EP để giữ những vị trí lãnh đạo cơ quan lập pháp quan trọng này của EU.

Trong cuộc bầu cử EP năm nay, không thể phủ nhận thắng lợi của các Đảng cánh tả và sinh thái, môi trường ở Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, với vị trí đứng thứ sáu tại EP.
Trước sự gia tăng vị thế của các Đảng cực hữu, trong năm năm tới, nhiều dự án và chương trình hoạt động của Liên hiệp châu Âu sẽ khó khăn hơn để có thể thông qua được tại EP, trong đó có Thỏa thuận xanh về năng lượng và môi trường, hay vấn đề nhập cư, di cư sẽ được siết chặt hơn, việc giám sát biên giới các nước sẽ chặt chẽ hơn, thậm chí cả những nội dung liên quan quốc tế cũng gặp khó khăn khi cần được thông qua tại EP.

Các Đảng cực hữu nổi lên và cán cân chính trị tại châu Âu ảnh 1
Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg-Pháp (Ảnh: 20minutes)

Điều này sẽ góp phần gây chia rẽ ngay trong nội bộ EU, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới vai trò của khối này trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên trên thực tế, các Đảng cực hữu trong EP vẫn bất đồng ý kiến về một số vấn đề, trong đó có vấn đề Ucraina hay mối quan hệ EU với Nga. Vì thế, theo các chuyên gia chính trị, các Đảng cực hữu chưa thể tập hợp để lập một liên minh lớn trong Nghị viện châu Âu.

Từ nay tới khoảng giữa tháng bảy tới, các Đảng phái châu Âu sẽ chuẩn bị cho những bước kết nối thành lập liên minh trong nhiệm kỳ mới 2024-2029 nhằm đạt được đa số ghế trong tổng số 720 ghế của Nghị viện châu Âu (EP). Tiếp đó là việc bầu chọn Chủ tịch EP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, những nhà lãnh đạo sẽ mang trọng trách điều hành con tàu EU trong bối cảnh khối này đang gặp không ít khó khăn, thách thức, về cả đối nội và đối ngoại.