Đại diện đơn vị cảnh sát tài chính Italia (Guardia di Finanza) cho biết, nhóm tội phạm này hoạt động ở nhiều nước châu Âu, đã có các hành vi lừa đảo trục lợi từ quỹ phục hồi đại dịch và các chương trình cải thiện nhà ở nhiều ưu đãi của Chính phủ Italia.
Cảnh sát đã tịch thu nhiều căn hộ, biệt thự, đồng hồ, đồ trang sức giá trị cao, vàng, tiền điện tử và xe hơi hạng sang, cùng với khoản thuế tín dụng bất hợp pháp dành cho các ưu đãi về nhà ở. Tổng trị giá của các tài sản này khoảng 600 triệu euro.
Trong hoạt động truy quét liên châu Âu này, cảnh sát các nước EU đã bắt giữ 3 người ở Slovakia, 2 người ở Áo và 17 người tại Italia, đồng thời cũng thực hiện các cuộc khám xét ở Romania.
Trong đó, hơn 150 cảnh sát tài chính đã tiến hành các cuộc đột kích ở các thành phố và thị trấn trên khắp Italia.
Trong số 22 nghi phạm bị bắt, 8 người đã bị tạm giam chờ xét xử và 14 người còn lại đang được quản thúc tại gia, trong đó một kế toán đã bị cấm hành nghề.
Quỹ phục hồi của EU trị giá hơn 800 tỷ euro được thành lập để giúp khối phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Quỹ này được tài trợ phần lớn thông qua khoản vay chung của EU.
Italia là nước hưởng lợi lớn nhất từ quỹ này, với tổng tài trợ là 194,4 tỷ euro thông qua sự kết hợp giữa các khoản tài trợ và cho vay. Đất nước Nam Âu này cho đến nay đã nhận được gần 102 tỷ euro từ quỹ và dự kiến sẽ nhận thêm hơn 90 tỷ euro vào năm 2026.
Đồng thời, chính phủ nước này cũng đang chi hàng tỷ USD cho các kế hoạch xây dựng nhà ở, trong đó có đề nghị chi trả cho chủ nhà 110% chi phí cải tạo để tiết kiệm năng lượng và tới 90% chi phí xây dựng mặt tiền.
Cảnh sát cho biết các nghi phạm đã phát triển các "hệ thống lừa đảo tinh vi" trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, sử dụng một loạt công ty bình phong để “vẽ” ra các dự án “ma” và từ đó giành được các khoản tín dụng thuế ưu đãi từ nhà nước.
Sau khi hành vi lừa đảo hoàn tất, tổ chức tội phạm này đã thiết lập một hệ thống rửa tiền, bao gồm việc sử dụng các máy chủ đám mây đặt tại nhiều quốc gia cùng tài sản bằng tiền điện tử.
Cảnh sát Italia cho biết đã làm việc với Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO), cơ quan chịu trách nhiệm điều tra và truy tố các hành vi tội phạm đi ngược lại lợi ích tài chính của khối.
Trong báo cáo thường niên được công bố vào tháng 2 vừa qua, EPPO cho biết vào năm 2023, cơ quan này đã tiến hành 1.927 cuộc điều tra, tổng cộng liên quan đến khoảng 19,2 tỷ euro bị nghi ngờ là gian lận. Trong đó, EPPO đã mở khoảng 618 cuộc điều tra chỉ riêng ở Italia.