Các Đảng cực hữu đang tạo sóng trên chính trường châu Âu

NDO - Trong những ngày cuối tuần này, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của công chúng. Thực tế cho thấy, dường như cánh hữu đang tạo những làn sóng, nổi trội trên chính trường Liên hiệp châu Âu. Với xu hướng này, cánh hữu có thể sẽ giành đa số ghế trong cơ quan lập pháp cao nhất của EU. Như vậy, liệu có thể diễn ra một sự thay đổi lớn về cán cân chính trị hay một cuộc dịch chuyển sang cánh hữu nắm quyền trên chính trường khối này.
0:00 / 0:00
0:00
Nghị viện châu Âu. (Ảnh: TouteEurope 1)
Nghị viện châu Âu. (Ảnh: TouteEurope 1)

Khoảng 370 triệu cử tri thuộc 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU)sẽ bầu ra 720 nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu (EP) cho nhiệm kỳ năm năm tới, theo phương thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp một vòng. Số nghị sĩ của mỗi nước thành viên EU được phân bổ theo quy mô dân số, không nước nào có ít hơn 6 và nhiều hơn 96 nghị sĩ. Đây là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu thứ 10 kể từ năm 1979 và là cuộc bầu cử lần đầu tiên kể từ sau sự kiện Brexit năm 2020. Hà Lan là nước đầu tiên tổ chức bầu cử để bầu chọn các nghị sĩ nước này vào Nghị viện châu Âu, với sự nổi trội của các thành viên Liên minh Công Đảng & Đảng Xanh và Đảng Tự do (PVV) theo đường lối cực hữu của ông Geert Wilders.

Trong mùa bầu cử lần này, các cử tri châu Âu quan tâm nhiều tới những thách thức mà toàn châu lục đang phải đối mặt, đó là vấn đề kinh tế-xã hội, lạm phát, giá cả ngày càng tăng, việc làm, nhập cư trái phép, nguy cơ an ninh, chiến tranh, chống biến đổi khí hậu,...

Các Đảng cực hữu đang tạo sóng trên chính trường châu Âu ảnh 1
Một điểm bầu cử Nghị viện châu Âu ở Pháp. (Ảnh: France 3)

Đáng chú ý, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này đối với nước Pháp cũng có thể xem như một cuộc trưng cầu dân ý đối với đương kim Tổng thống Emmanuel Macron. Theo dự đoán của một số chuyên gia, trong bối cảnh nước Pháp thời gian gần đây, Đảng cầm quyền hiện nay sẽ đạt số phiếu ủng hộ thấp hơn so với Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo.

Một số thống kê gần đây cho thấy, các đảng cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều nước EU và nhận được sự ủng hộ của không ít người dân, nhất là những người trẻ tuổi. Chống nhập cư là một trong những nội dung chính trong chiến dịch tranh cử của các đảng cực hữu được nhiều cử tri quan tâm.

Mục tiêu của các Đảng cực hữu là tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri phản đối chính sách của EU khi can thiệp sâu vào cuộc xung đột tại Ucraina cũng như những cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tại EU những năm gần đây. Thêm nữa, các Đảng cực hữu đang liên kết nhau nhằm tạo phong trào lớn mạnh, giành thêm ghế tại Nghị viện châu Âu, từ đó ngăn cản việc thông qua những chương trình nghị sự và kế hoạch của EU trong những năm tới. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu tại Pháp, tuyên bố đã lên ý tưởng liên kết với Liên minh Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) để thành lập một đại liên minh tại Nghị viện châu Âu. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cũng muốn hình thành một liên minh các Đảng bảo thủ tại Nghị viện châu Âu và tạo thế cân bằng mới tại châu lục này.

Các Đảng cực hữu đang tạo sóng trên chính trường châu Âu ảnh 2
Một điểm bầu cử ở Hà Lan. (Ảnh: Europe 1)

Trước bối cảnh này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, nếu các liên minh cực hữu giành phần lớn tại Nghị viện châu Âu thì EU sẽ khó có thể thông qua được những quyết định quan trọng về vấn đề nhập cư, di cư, hay đối phó những vấn đề cấp bách, tình huống khẩn cấp… Ông E. Macron cũng kêu gọi cử tri ngăn cản bước tiến của phái cực hữu để bảo vệ một EU lớn mạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia chính trị, các Đảng cực hữu: Đảng Tập hợp quốc gia tại Pháp, Đảng Tự do (PVV) ở Hà Lan, Đảng Những người anh em Italia (FdI) ở Italia sẽ có thể giành được từ 18-21% phiếu. Với tỷ lệ này, các thành viên cực hữu sẽ có thể giữ nhiều vị trí quan trọng trong Nghị viện châu Âu. Trong khi hiện nay, những vị trí quan trọng của cơ quan lập pháp này (lãnh đạo Nghị viện châu Âu, lãnh đạo các Ủy ban…) vẫn thuộc về thành viên các Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Đảng Phục hưng châu Âu (RE) hay Liên minh Đảng Xã hội và Dân chủ (SD).

Thực tế những gì đang diễn ra cho thấy, EU lại đang lo ngại trước sự lớn mạnh của các Đảng cực hữu chống nhập cư, chống hội nhập. Cơ cấu tại Nghị viện châu Âu có nguy cơ bị xoay chuyển nếu các Đảng cực hữu giành được nhiều phiếu ủng hộ. Kịch bản kết quả cuộc bầu cử sẽ ra sao? Câu trả lời thuộc về các cử tri tại các nước thành viên Liên hiệp châu Âu.

Các Đảng cực hữu đang tạo sóng trên chính trường châu Âu ảnh 3
Biểu tượng bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Nghị viện châu Âu là cơ quan lập pháp quan trọng trong quyết định các chính sách và các văn bản của EU. Các ủy viên trong Ủy ban châu Âu được nguyên thủ hoặc Thủ tướng các nước thành viên EU chỉ định nhưng vẫn phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thông qua.

Trong nhiệm kỳ năm năm vừa qua (2019-2024), có ba nhóm chiếm đa số ghế trong Nghị viện châu Âu là Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo đường lối trung hữu, Liên minh Đảng Xã hội và Dân chủ (SD) theo đường lối trung tả và Đảng Phục hưng châu Âu (RE) theo đường lối trung dung và tự do.

Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) là lực lượng lớn nhất và nắm giữ những vị trí cao trong Nghị viện châu Âu, chủ yếu gồm các thành viên Đảng CDU của Đức. EPP đã và đang có sự liên minh chặt chẽ với Liên minh Đảng Xã hội và Dân chủ (SD) và Đảng Phục hưng châu Âu (RE).

Liên minh Đảng Xã hội và Dân chủ (SD) là lực lượng lớn thứ hai trong Nghị viện châu Âu, gồm chủ yếu các thành viên Đảng Công nhân xã hội (PSOE) của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Chính sách của Liên minh Đảng SD chủ yếu là ngăn chặn tình trạng thất nghiệp và làm sao để xã hội công bằng hơn.

Hiện Đảng Phục hưng châu Âu (RE) là lực lượng đứng thứ ba trong Nghị viện châu Âu. Trong đó chủ yếu là thành viên Đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng như hiện nay, Đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp E. Macron bị ảnh hưởng nhiều bởi sự lớn mạnh của Đảng Tập hợp quốc gia (Ressemblement national - RN) theo đường lối cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo.

Trong Nghị viện châu Âu có cả những khối liên minh nhỏ, không chiếm nhiều ghế nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định, như: Liên minh Đảng Tự do châu Âu & Xanh (EFA&Green), Liên minh khối Bản sắc và Dân chủ (ID), Liên minh Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), Liên minh lực lượng The Left-GUE/NGL…

Liên minh Đảng Tự do châu Âu & Xanh gồm chủ yếu là các thành viên Đảng Xanh của Đức, với thành công trong xây dựng Thỏa thuận xanh châu Âu chống biến đổi khí hậu. Nội dung chính trong chiến dịch tranh cử của Liên minh này là việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của EU là rất quan trọng trong những năm tới.

Liên minh Đảng Bản sắc và Dân chủ theo đường lối cực hữu, với quan điểm chống nhập cư mạnh mẽ. Theo nhận định của các chuyên gia chính trị, Liên minh này đang được nhiều người ủng hộ và có thể sẽ giành được nhiều phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này.

Liên minh Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu cũng theo đường lối bảo thủ, cực hữu, gồm chủ yếu là các thành viên Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan, với quan điểm hoài nghi châu Âu và các thành viên Đảng Những người anh em Italia (FdI) của Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, với quan điểm phản đối mạnh mẽ vấn đề nhập cư và di cư của EU.

Liên minh lực lượng The Left-GUE/NGL theo đường lối cánh tả, gồm chủ yếu những thành viên Đảng Nước Pháp bất khuất (La France Insoumise) của ông Jean-Luc Mélenchon, các thành viên Đảng Podemos Unida (Chúng ta có thể cùng nhau) của Tây Ban Nha và Đảng Die Linke (Bên trái) của Đức. Liên minh này có quan điểm ưu tiên quyền của người lao động, công bằng về kinh tế, ưu tiên bình đẳng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số.