Cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

Các vụ tàu va chạm và vướng vào dây dùng để đánh bắt tôm hùm và cua là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho cá voi đầu bò. Tình hình còn phức tạp hơn do biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương.(Nguồn: Wiki)
Cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương.(Nguồn: Wiki)

Cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương là một trong những loài động vật có vú đang gặp nguy hiểm nhất. Các nhà bảo tồn hy vọng đề xuất thay đổi quy định liên bang nhằm mở rộng các hạn chế về tốc độ đối với tàu thuyền di chuyển dọc theo Bờ Đông Mỹ sẽ giúp cứu những loài sinh vật biển khổng lồ đang trên đà tuyệt chủng này. Ước tính số lượng của loài cá voi này còn chưa đến 350 con.

Kể từ năm 2017, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng chết bất thường ở cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương. Hiện chỉ còn chưa tới 70 cá voi cái, tỷ lệ sinh sản giảm do các yếu tố gây căng thẳng cho cá voi mẹ và đến năm 2035, loài này có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Với chiều dài gần 18m và có tuổi thọ tương tự như con người, cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương được cho là đã từng có số lượng lên tới 20.000 con trước khi hoạt động săn bắt thương mại làm giảm số lượng.

Loài này được xem là mục tiêu phù hợp để săn bắt, khi tấm sừng dùng để lọc thức ăn ở hàm cá voi được xem là một vật liệu bền, dẻo được sử dụng trong thời kỳ nhựa chưa phổ biến, mỡ của cá voi cũng thích hợp để sản xuất dầu ăn.

Năm 1935, hoạt động săn bắt đã bị cấm, dẫn đến sự phục hồi của cá voi đầu bò với số lượng đạt đỉnh 483 con vào năm 2010, trước khi tiếp tục suy giảm như hiện nay.

Các vụ tàu va chạm và vướng vào dây dùng để đánh bắt tôm hùm và cua là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho cá voi đầu bò. Tình hình còn phức tạp hơn do biến đổi khí hậu đang làm thay đổi sự phân bố của động vật phù du mà chúng ăn.

Những đề xuất thay đổi của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) sẽ mở rộng ranh giới và thời gian hạn chế tốc độ theo mùa dọc theo Bờ Đông, đồng thời mở rộng các hạn chế tốc độ bắt buộc ở mức 10 hải lý/giờ trở xuống từ những tàu trên 10,6m đến các tàu trên 20m.

Thông tin này đã vấp phải sự phản đối từ ngành kinh doanh bằng tàu thuyền và đánh bắt cá, do lo ngại sẽ làm tổn hại tới các doanh nghiệp nhỏ. Mặt khác, theo các nhóm bảo tồn, chưa đến 4% số tàu giải trí dọc theo Bờ biển Đại Tây Dương có chiều dài từ 10,6m trở lên.

NOAA cho biết họ có kế hoạch hoàn tất dự thảo quy định vào tháng 12, sau khi xem xét hơn 90.000 ý kiến. Tuy nhiên, ngay cả khi hoàn tất, việc thực thi vẫn tạo mối quan ngại. Báo cáo do tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố ngày 19/10 cho thấy, hơn 80% số thuyền dài 20m trở lên ngoài khơi Bờ Đông Mỹ đang vi phạm quy định hiện hành, đồng thời đề xuất thiết lập các vùng chạy chậm 10 hải lý/giờ để bảo vệ cá voi khỏi những vụ va chạm nguy hiểm.

Đáng chú ý, dù có 9.358 chuyến tàu vượt quá tốc độ cho phép trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 7/2022, nhưng NOAA chỉ phạt 46 trường hợp.

Kathleen Collins, Giám đốc chiến dịch biển cấp cao của tổ chức bảo vệ động vật IFAW, đã bày tỏ vui mừng, khi chính phủ đã dành 82 triệu USD trong Đạo luật Giảm lạm phát để thúc đẩy việc bảo vệ các loài động vật, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ để đảm bảo nỗ lực tuân thủ các quy định.

Tuy nhiên, theo các nhà bảo tồn, công nghệ không thể giải quyết tất cả bởi việc giám sát toàn bộ số lượng cá voi theo thời gian thực là không khả thi.

Các nhà bảo tồn cho rằng, không gắn thẻ vào cá voi đầu bò và theo dõi vĩnh viễn, bởi làm như vậy sẽ gây ra rủi ro nhiễm khuẩn, trong khi cá voi có thể tự đẩy các thiết bị ra trong vòng vài tuần.

Jane Davenport, luật sư cấp cao của tổ chức Defenders of Wildlife nhấn mạnh cách duy nhất hiện nay là ngăn chặn các vụ va chạm do tàu thuyền. Nếu Quốc hội không thông qua đề xuất của NOAA, việc bảo vệ loài cá voi này sẽ rất khó khăn.