Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã ban bố tình trạng thảm họa tại Arkansas, chỉ thị giới chức thực hiện cứu trợ tại các vùng bị thiên tai. Hơn nửa triệu người bị mất điện ở các bang Pennsylvania, Ohio, Virginia, Tây Virginia và Tennessee. Cơn bão lần này đổ bộ chỉ một tuần sau khi bão và lốc xoáy hoành hành ở bang Mississippi khiến 26 người thiệt mạng.
Một số chuyên gia cho rằng, do vị trí địa lý và địa hình đa dạng, Mỹ chịu ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan thường xuyên với thiệt hại nặng nề hơn so các nơi khác trên thế giới.
Mỹ được bao quanh bởi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, Vịnh Mexico, dãy núi Rocky, các bán đảo nhô ra như Florida, khiến các cơn bão dễ va chạm với nhau, tạo ra luồng gió xoáy gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan.
Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) của Mỹ nhận định, thiên nhiên gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tại Mỹ, song con người cũng “góp phần” khiến thiên tai tồi tệ hơn.
Đại học South Carolina đánh giá, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp tại nhiều nơi gần như không có khả năng chống chịu trước các đợt thiên tai. Nghèo đói khiến công tác chuẩn bị và phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên trở nên khó khăn hơn, nhất là ở khu vực miền Nam.
Trong khi đó, Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải châu Âu ghi nhận một trận động đất có độ lớn 7,2 tại khu vực New Guinea và Papua New Guinea vào sáng 3/4, với tâm chấn ở độ sâu 80km.
Theo Reuters, hệ thống cảnh báo sóng thần của Mỹ không đưa ra cảnh báo nào sau vụ động đất. Tuy nhiên, vài giờ sau trận động đất, nhà chức trách Papua New Guinea tiếp tục khuyến cáo người dân cảnh giác do các hoạt động địa chất vẫn diễn ra.