Mức giá cao kỷ lục được thiết lập khi nguồn cung khan hiếm
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà-phê Robusta đang giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) đã có thời điểm đạt mức cao nhất trong 28 năm khi vượt mốc 2.800 USD/tấn. Tính đến ngày 13/6, giá Robusta giao dịch tại mức 2.713 USD/tấn, dao động quanh vùng đỉnh trong 15 năm.
Tại thị trường nội địa, giá cà-phê Việt Nam đã chứng kiến mức giá hơn 65.000 đồng/kg, mức giá cao nhất từng được ghi nhận, dữ liệu từ trang giacaphe.com. Mức giá trên cũng đồng nghĩa với việc giá cà-phê nội địa đã cao hơn gần 63% so giai đoạn đầu năm, khi mức giá cao nhất tại thời điểm đó là 40.100 đồng/kg.
Giai đoạn tăng giá cà-phê trong thời gian vừa qua chủ yếu đến hoạt động xuất khẩu ảm đạm do tồn kho của nông dân Việt Nam gần như cạn kiệt.
Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam: “Giai đoạn tăng giá cà-phê trong thời gian vừa qua chủ yếu đến hoạt động xuất khẩu ảm đạm do tồn kho của nông dân Việt Nam gần như cạn kiệt”.
Thật vậy, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 866.121 tấn cà-phê, thấp hơn 3,9% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 5, lượng cà-phê xuất khẩu chỉ ghi nhận ở mức 149.667 tấn, giảm 8,5% so tháng trước và là mức xuất khẩu theo tháng thấp thứ 2 kể từ đầu năm đến nay.
Hơn nữa, giới quan sát nhận định tồn kho cà-phê hiện tại ở Việt Nam đã rơi vào tình trạng cạn kiệt. Nguyên nhân cho vấn đề này đến từ hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu cà-phê trong năm 2022, cùng sản lượng cà-phê niên vụ 2022/23 của Việt Nam ước tính giảm 10-15%, theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa). Thậm chí, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà-phê cuối niên vụ 2022/23 của Việt Nam chỉ ở mức 1.810 tấn, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2019/20.
Nhu cầu cà-phê tăng cao, tạo hỗ trợ đa chiều
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại các thị trường tiêu thụ cà-phê chính như Mỹ hay châu Âu, chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như cà-phê có xu hướng thu hẹp.
Thực trạng này làm nổi bật ưu thế giá rẻ của cà phê Robusta so với cà phê Arabica. Hiện tại, giá cà-phê Arabica đang giao dịch trên Sở ICE ghi nhận ở mức 4.029 USD/ tấn, cao hơn 49% so giá cà-phê Robusta. Nắm bắt lợi thế này, các doanh nghiệp rang xay cà-phê cũng gia tăng sử dụng cà-phê Robusta để pha trộn cùng cà phê Arabica với mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, phù hợp chi tiêu của người tiêu dùng.
Tại châu Âu, khu vực nhập khẩu 33% tổng lượng cà-phê thế giới có xu hướng tăng lượng cà-phê Robusta nhập khẩu. Cụ thể, kết thúc tháng 4/2023, lượng cà-phê Robusta tồn kho tại khu vực châu Âu bất ngờ đảo chiều tăng sau 7 tháng giảm liên tiếp lên mức 268.182 tấn, chiếm đến 40% tổng lượng cà phê lưu trữ tại các cảng của khu vực này. Trong khi đó, hai loại cà phê Arabica còn lại vẫn trong đà giảm.
Thậm chí, Tổ chức Cà-phê thế giới (ICO) ước tính, cán cân cung-cầu cà-phê toàn cầu niên vụ 2022/23 thâm hụt 7,3 triệu bao loại 60kg, mức thiếu hụt cà-phê cao nhất được ghi nhận trong 10 năm. Tiêu thụ cà-phê dự kiến sẽ tăng mạnh 4,2% so niên vụ trước, cao hơn mức tăng 0,6% trong niên vụ trước.
Như vậy, không chỉ dừng lại ở những hỗ trợ trong ngắn hạn nhờ nguồn cung khan hiếm, giá cà-phê Robusta giao dịch cũng như giá cà-phê Việt Nam trong thời gian tới phần nào được ủng hộ bởi sự tăng trưởng tích cực của nhu cầu tiêu thụ.
Giá cà-phê vẫn còn dư địa để chinh phục kỷ lục mới
Cùng với những hỗ trợ từ nhu cầu cà-phê Robusta đang ở mức cao, yếu tố nguồn cung cũng có thể sẽ là nhân tố quan trọng góp phần hỗ trợ giá cà-phê tạo ra những điểm nhấn mới trong năm 2023.
Đầu tiên chính là lo ngại về vấn đề nguồn cung cà-phê tại Việt Nam. Không chỉ ở hiện tại với vấn đề tồn kho gần như cạn kiệt, nhìn xa hơn chính là triển vọng nguồn cung không mấy tích cực trong niên vụ 2023/24. USDA đã dự báo xuất khẩu cà-phê của Việt Nam trong niên vụ sắp tới chỉ ở mức 27,5 triệu bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 3 niên vụ gần đây. Kết hợp cùng cảnh báo từ Trung tâm Dự đoán Khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), El Nino đã xuất hiện và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mùa vụ cà-phê tại các quốc gia sản xuất hàng đầu châu Á, đặc biệt là Việt Nam, khiến cho vấn đề hồi phục nguồn cung cà-phê tại đây vẫn là một thách thức lớn.
Không riêng tại Việt Nam, 2 quốc gia cung ứng cà-phê lớn trên thế giới khác là Brazil và Indonesia đều cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan về nguồn cung cà-phê niên vụ 2023/24. Thậm chí, USDA còn dự báo sản lượng cà-phê niên vụ 2023/24 tại Indonesia chỉ khoảng 9,7 triệu bao, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm.
“Nếu những dự báo trên là chính xác, giá cà-phê nội địa tại Việt Nam, cũng như giá cà-phê Robusta trên thế giới trong nửa cuối năm nay vẫn còn dư địa rất lớn để tăng trưởng”, ông Quang Anh nhận định.
Tương lai, giá cà-phê tăng cao cũng là nhân tố quan trọng để kéo nông dân quay trở về với hoạt động sản xuất cà-phê, sau sự bùng nổ trong canh tác sầu riêng và chanh leo hồi đầu năm. Thậm chí, một khi bối cảnh hiện tại được duy trì, kim ngạch xuất khẩu cà-phê của Việt Nam có cơ hội lần nữa vượt mức 4 tỷ USD trong năm 2023, đều là dấu ấn nổi bật đối với ngành cà-phê nước ta.