Phát triển bền vững chuỗi giá trị cà-phê Arabica Lạc Dương

NDO - Cà-phê Arabica Lạc Dương được trồng ở độ cao hơn 1200m đến 2000m so với mực nước biển, tại vùng khí hậu lạnh và sương giá, có hương vị cam chín đặc trưng, vị ngọt sâu và vị chua cân bằng. Không chỉ là một sản phẩm chất lượng cao, dòng cà-phê này nằm trong chuỗi sản xuất cà-phê bền vững không mất rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tham gia Dự án cà-phê nông-lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: SNV)
Người dân tham gia Dự án cà-phê nông-lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: SNV)

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam tổ chức sự kiện “Khám phá ly cà-phê Arabica Lạc Dương - Vị ngon bền vững”.

Sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu cà-phê Arabica của huyện Lạc Dương, kết nối với các đối tác phát triển, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, nhà sản xuất, và người tiêu dùng để chia sẻ các cam kết của SNV với phục hồi cảnh quan bền vững và tiềm năng phát triển chuỗi giá trị cà-phê và nông sản không mất rừng.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị cà-phê Arabica Lạc Dương ảnh 1

Các doanh nghiệp chia sẻ thông tin tại sự kiện “Khám phá ly cà-phê Arabica Lạc Dương”. (Ảnh: Ban Tổ chức)

Chương trình có hoạt động trải nghiệm cà-phê và tọa đàm “Kết nối giao thương” - một diễn đàn giao lưu và chia sẻ cơ hội hợp tác giữa chính quyền địa phương, các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp tại huyện Lạc Dương và thành phố Yachio (Nhật Bản).

Cà-phê Arabica Lạc Dương được trồng ở độ cao hơn 1.200m đến 2.000m so với mực nước biển, tại vùng khí hậu lạnh và sương giá, có hương vị cam chín đặc trưng, vị ngọt sâu và vị chua cân bằng. Những hạt cà-phê được tuyển chọn từ những trái chín tỷ lệ lên đến 98%, được sơ chế ướt để giữ nguyên hương vị tươi mới của cà-phê.

Khách tham dự được trực tiếp tìm hiểu về các doanh nghiệp và phương pháp canh tác bền vững được áp dụng trong sản xuất cà-phê Arabica Lạc Dương, những đóng góp của các phương pháp này bảo vệ hệ sinh thái và hỗ trợ đời sống của người nông dân địa phương. Ngoài ra, họ có cơ hội ghé thăm các gian hàng cà-phê và nông sản, trò chuyện với các nhà sản xuất, chuyên gia, doanh nghiệp chuyên về cà-phê Arabica Lạc Dương và nhiều sản phẩm nông sản khác; tham gia các hoạt động tương tác, thảo luận và trao đổi ý kiến về sự bền vững và tiềm năng của ngành cà-phê.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án cà-phê nông-lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng (Café-REDD). Dự án được SNV triển khai từ năm 2018 đến 2024.

Cà-phê Arabica Lạc Dương được trồng ở độ cao hơn 1.200m đến 2.000m so với mực nước biển, tại vùng khí hậu lạnh và sương giá, có hương vị cam chín đặc trưng, vị ngọt sâu và vị chua cân bằng. Những hạt cà-phê được tuyển chọn từ những trái chín tỷ lệ lên đến 98%, được sơ chế ướt để giữ nguyên hương vị tươi mới của cà-phê. Không chỉ là một sản phẩm chất lượng cao, cà-phê Arabica Lạc Dương còn là một sản phẩm bền vững, gắn kết các mối liên hệ giữa nông dân, nhà thu mua và nhà rang xay.

Cà-phê Arabica Lạc Dương là một trong những đại diện tiêu biểu cho làn sóng cà-phê thứ ba - cà-phê đặc sản, là phong trào sản xuất cà-phê chất lượng cao và xem cà-phê như một nghệ thuật thủ công, mang đến cho người thưởng thức một trải nghiệm độc đáo và khó quên.

Trước đó, từ năm 2019, với sự quan tâm và chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cùng UBND huyện Lạc Dương, Dự án cà phê-REDD đã tiến hành các hoạt động xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị cà-phê thông qua việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất và kết nối doanh nghiệp liên kết. Trong suốt giai đoạn này, các công ty cà-phê tham gia dự án đã đi đầu trong việc phối hợp để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cà-phê cho người dân, sát cánh cùng các tổ hợp tác, đào tạo, hỗ trợ về kỹ thuật và thu mua sản phẩm của tất cả các hộ đăng ký.

Đồng thời, Dự án cà-phê-REDD đã cung cấp hơn nửa triệu cây giống cà-phê và các cây trồng xen như mắc-ca, hồng... cho hàng nghìn hộ gia đình ở Lạc Dương để thực hành mô hình cà-phê nông-lâm kết hợp. Cùng với đó, dự án mở các khóa đào tạo về sản xuất cà-phê bền vững, truy xuất nguồn gốc cũng như các máy móc và trang thiết bị cho các tổ hợp tác.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc tích hợp các công nghệ thông tin, kỹ thuật số tiên tiến cũng đã được áp dụng với các công ty tham gia vào dự án cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất các thông tin từ trang trại tới sản phẩm cà-phê cuối cùng.

Bên cạnh đó, Dự án Cà-phê-REDD cũng tổ chức những hoạt động nhằm kết nối các doanh nghiệp để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cà-phê cho người dân, hướng tới sản xuất cà-phê bền vững mà không làm mất rừng, đồng thời kết hợp với các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cà-phê góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển sinh kế và an sinh xã hội. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Lạc Dương.

Dự án Cà-phê-REDD đã phối hợp chặt chẽ với các công ty cà-phê, bà con nông dân (đa số là đồng bào dân tộc thiểu số) và chính quyền địa phương ở huyện Lạc Dương để thiết lập các chuỗi cà-phê bao trùm. Trong đó, lấy việc sản xuất cà-phê bền vững không mất rừng là mục tiêu quan trọng kết hợp với các hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cà-phê.