Cả nghìn người được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng y học cổ truyền

NDO - Hai phương pháp cai nghiện thuốc lá được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đạt hiệu quả cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện ngày một gia tăng .
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Phòng Hỗ trợ và Tư vấn cai nghiện thuốc lá thực hiện dán nhĩ áp cai thuốc lá cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phòng Hỗ trợ và Tư vấn cai nghiện thuốc lá thực hiện dán nhĩ áp cai thuốc lá cho bệnh nhân.

Để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người dân, từ năm 2015 với sự hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã thành lập Phòng Tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Khoa Khám bệnh. Do số người đến tư vấn cai nghiện thuốc lá ngày một đông nên năm 2019, Bệnh viện thành lập thêm một Phòng Tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã cai nghiện thuốc lá thành công cho hàng nghìn người nghiện thuốc lá, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Bệnh nhân khi đến đây cai nghiện thuốc lá sẽ được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng hai phương pháp: không dùng thuốc và dùng thuốc. Với phương pháp không dùng thuốc, các bác sĩ sẽ nhĩ châm kết hợp phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng.

Nhĩ châm là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Cơ chế của nhĩ châm cai thuốc lá chính là điều hòa lại khí huyết, cân bằng âm dương để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra.

Còn phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng để hỗ trợ luyện thở cho những người hút thuốc lá gặp chứng bệnh viêm phổi tắc nghẽn.

Đối với phương pháp dùng thuốc, người nghiện thuốc lá được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng viên ngậm BTL hoặc trà nhúng BTL nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm hội chứng cai cho người hút thuốc. Bên cạnh hội chứng khi cai nghiện thuốc lá gồm kích thích, bồn chồn, khó chịu, cáu gắt, mất ngủ, khó tập trung còn có các triệu chứng khác được ghi nhận xuất hiện sau khi bỏ thuốc lá như ho, khô miệng, đau rát họng, đau đầu, buồn nôn.

Cả nghìn người được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng y học cổ truyền ảnh 1

Hiện tỷ lệ hút thuốc lá ở người lớn tại Việt Nam còn khá cao, cho nên cần tiếp tục thực hiện các chính sách để ngăn chặn người mới hút thuốc cũng như giúp người đang hút bỏ thuốc lá.

Hiện nay, hai phương pháp cai nghiện thuốc lá nêu trên được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đạt hiệu quả cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện ngày một gia tăng.

Tuy nhiên để cai thuốc lá thành công phụ thuộc rất lớn vào ý chí và sự quyết tâm cai thuốc của bản thân người hút thuốc lá. Các bác sĩ, chuyên gia tư vấn khuyến cáo, hãy từ bỏ thuốc lá ngay ngày hôm nay vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu.

Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh: ung thư, tim mạch.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Tại Việt Nam, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đạt được những kết quả nhất định. So với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%).

Đáng chú ý, Bộ Y tế, cũng như chuyên gia phòng, chống tác hại thuốc lá khuyến cáo, nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại.

Còn đối với những người đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, cùng chung tay xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.