Cuộc chiến chống thuốc lá trên toàn cầu

Nỗ lực hạn chế sử dụng thuốc lá trên toàn cầu đã gặt hái được thành quả tích cực khi tỷ lệ hút thuốc giảm đáng kể. Tuy nhiên, hành trình bảo vệ người dân khỏi "kẻ giết người" nguy hiểm này vẫn đối mặt nhiều thách thức, nhất là khi thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến.
0:00 / 0:00
0:00
Canada dán nhãn cảnh báo tác hại của thuốc lá. (Ảnh THE CANADIAN PRESS)
Canada dán nhãn cảnh báo tác hại của thuốc lá. (Ảnh THE CANADIAN PRESS)

Cách đây 15 năm, để hỗ trợ chính phủ các nước hiện thực hóa cam kết trong Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá, WHO đã đưa ra kế hoạch MPOWER (Monitor, Protect, Offer, Warn, Enforce, Raise) với sáu biện pháp gồm: Giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng ngừa; bảo vệ người dân khỏi khói thuốc; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; cảnh báo về tác hại của thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; tăng thuế thuốc lá. Trong báo cáo do WHO công bố mới đây, sau 15 năm được triển khai, MPOWER đã góp phần quan trọng giúp dần đẩy lùi nạn dịch thuốc lá trên toàn cầu.

WHO ước tính, hiện có 5,6 tỷ người, tương đương 71% dân số thế giới, đang được bảo vệ bởi ít nhất một biện pháp kiểm soát thuốc lá trong kế hoạch MPOWER. Đây là thành quả đáng tự hào khi vào năm 2008, con số này chỉ dừng lại ở mức 5%. Ngoài ra, số quốc gia áp dụng ít nhất một trong sáu biện pháp MPOWER cũng tăng từ 44 nước năm 2008 lên 151 nước năm 2022.

Tỷ lệ hút thuốc trên toàn cầu ghi nhận xu hướng đi xuống khi giảm từ 22,8% vào năm 2007 xuống còn 17% năm 2021. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) nhấn mạnh, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước, sẽ ngày càng có nhiều người dân được bảo vệ khỏi tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, thế giới còn đối mặt nhiều thách thức. Theo WHO, hiện chỉ có bốn nước gồm Brazil, Mauritius, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua toàn bộ sáu biện pháp chống thuốc lá được nêu trong kế hoạch MPOWER. 2,3 tỷ người tại 44 quốc gia vẫn chưa được bảo vệ bởi bất kỳ biện pháp nào. Tại 53 nước, lệnh cấm hút thuốc hoàn toàn chưa được áp dụng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Sự chậm trễ trong nỗ lực ngăn chặn kẻ giết người hàng loạt này đã phải trả giá bằng sinh mạng của nhiều người dân. Thuốc lá tiếp tục là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng khi là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 8,7 triệu người mỗi năm, trong đó có 1,3 triệu người tử vong do hút thuốc thụ động. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, những người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ tử vong vì bệnh tim, đột qụy, các bệnh về đường hô hấp, tiểu đường và ung thư.

Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus khẳng định, thuốc lá điện tử là hòn đá tảng cản trở nỗ lực của các nước trên hành trình bảo vệ sức khỏe người dân. Tại nhiều nước, thuốc lá điện tử được quảng cáo rầm rộ như một giải pháp thay thế lành mạnh cho việc hút thuốc.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, hóa chất mà người hút thuốc lá điện tử hít vào có thể chứa một loạt các chất có khả năng gây hại, bao gồm những hợp chất hữu cơ độc hại dễ bay hơi, hóa chất gây ung thư và các kim loại nặng như niken, thiếc và chì.

Mặc dù thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người sử dụng, song hiện có rất ít quy định về sản phẩm này. Báo cáo của WHO cho thấy, có 121 quốc gia trên thế giới đã thông qua một số biện pháp liên quan thuốc lá điện tử.

Tuy nhiên, 74 nước (chiếm gần 1/3 dân số thế giới) không áp dụng các quy định liên quan sản phẩm này như cấm sử dụng nơi công cộng, yêu cầu dán nhãn cảnh báo và cấm quảng cáo. Báo cáo cũng lưu ý rằng rất ít quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, khi có tới 88 nước không quy định độ tuổi tối thiểu được mua thuốc lá điện tử.

Những năm gần đây, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong cuộc chiến chống thuốc lá. Tuy nhiên, để sản phẩm nguy hiểm này không tiếp tục gây hại cho sức khỏe cộng đồng, WHO kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục mạnh tay hơn trong việc triển khai các biện pháp giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.