Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau Dư Minh Hùng, tại buổi đối thoại với các chủ đầu tư và hơn 40 nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào chiều 5-5, liên quan đến ảnh hưởng của tình hình giá vật tư tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.
Buổi đối thoại trên diễn ra không lâu sau khi có chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau và sau khi có phản ánh của Báo Nhân Dân điện tử liên quan đến thực trạng “Giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhà thầu Cà Mau điêu đứng”.
Tại buổi đối thoại, đại diện một số chủ đầu tư than phiền tình hình giá vật liệu xây dựng đầu vào leo thang trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư công. Ông Lâm Văn Thời, Trưởng Ban QLDA các công trình NN và PTNT Cà Mau cho biết thực trạng đã xảy ra: Phía bên Ban hiện phát sinh một số hạng mục ngoài phạm vi hợp đồng, phải thương thảo với nhà thầu về giá nhưng nhà thầu “bỏ chạy” vì bên ngoài giá tăng cao nhưng báo giá của sở không tăng. “Chúng tôi cũng gặp tình trạng đấu thầu rồi nhưng bên trúng thầu không dám ký vì trượt giá lớn, nếu ký triển khai sẽ bị lỗ”, ông Thời tiết lộ.
Trong khi đó, nhà thầu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho rằng, giá của một số mặt hàng vật tư tăng cao và đang rất khan hiếm như sắt thép, cát đen san lấp, cát vàng xây dựng, đá… Nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế thi công của doanh nghiệp đã khiến cho một số công trình của nhà thầu bị ngưng trệ, chậm tiến độ. Thêm vào đó, giá xăng dầu gần đây tăng vài nghìn đồng/lít so với cuối năm 2020, đẩy giá nhân công lên khá cao nhưng đơn giá nhân công chưa được điều chỉnh…
“Trong điều kiện giá vật liệu tăng đến vài chục phần trăm, nếu thực hiện công trình theo đúng tiến độ trong hợp đồng thì nhà thầu như chúng tôi không có tiền để bù lỗ”, đại diện Công ty TNHH TMDV Thế Lâm, chia sẻ và đặt dấu hỏi: Trong các hợp đồng xây dựng (cả hợp đồng trọn gói) có điều khoản bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh… Với các trường hợp ở Cà Mau đang gặp phải có một phần trong điều khoản trên thì có được hỗ trợ trượt giá?
Cùng gặp khó khăn như trên, ông Sử Thành Phú, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Tập đoàn TPM, chỉ rõ nguyên nhân giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến trong thời gian gần đây là nhiều mỏ cát, đá… trong vùng chưa được cấp phép khai thác, hoặc có nhưng trữ lượng rất ít khiến cung không đủ cầu. Với giá thép tăng hơn 5.000 đồng/kg so đầu năm, ông Phú cho rằng là do tác tác động của dịch Covid-19, nhiều nước đẩy mạnh xây dựng để phục hồi kinh tế khiến nguồn cung khan hiếm.
Từ những khó khăn đang gặp phải, các nhà thầu tại địa phương đề nghị Sở Xây dựng Cà Mau có kiến nghị đến UBND tỉnh Cà Mau có ý kiến trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ: Sớm có chủ trương điều chỉnh giá vật liệu cho những hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định; điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường. Về lâu dài, nên có quỹ bình ổn giá cho ngành xây dựng, phòng rủi ro với các tình huống bất khả kháng.
Song hành với đó, phía cơ quan chức năng Cà Mau khi xây dựng danh mục giá cần cập nhật kịp thời, sát với thực tế. Trong lúc chờ kiến nghị được xem xét hợp tình, hợp lý, các nhà thầu ở Cà Mau mong nhận được sự chia sẻ từ các chủ đầu tư cho kéo dài thời gian hoàn thành một số công trình theo hợp đồng nhưng không xử phạt. Bởi nếu triển khai trong thời điểm tăng giá quá cao như hiện nay chẳng khác nào “đâm đầu vào chổ chết”…?
Chia sẻ và tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của nhà thầu và các chủ đầu tư tại địa phương, Giám đốc Sở xây dựng Cà Mau, cho biết: Công bố giá của Sở trước đây chỉ mang tính chất tham khảo nhưng hiện giờ để áp dụng trong lập dự toán đầu tư cho các công trình. Vì thế, tới đây, thay vì cập nhật báo giá hằng quý, Sở Xây dựng sẽ có thông báo giá theo từng tháng để cập nhật sát hơn với mặt bằng giá thị trường.
Giảm thiểu tình trạng vật liệu kém chất lượng, thiếu chủng loại trong báo giá và giá công bố của Sở “chênh” thấp hơn so giá thị trường, ông Hùng cho biết, tới đây kiên quyết loại khỏi những vật tư kém chất lượng trong danh sách báo giá. Ông Hùng cũng mong nhận thêm nhiều thông tin từ phía các nhà thầu về nơi mua, nơi bán, giá thành… cũng như liên hệ thêm các tỉnh lân cận để cập nhật, bổ sung cho đầy đủ ở các lần thông báo giá tiếp theo. Đồng thời, sẽ có ý kiến với ngành Công thương của tỉnh tăng cường hơn nữa trong kiểm tra, xử lý tình trạng đơn vị cung cấp vật tư “công bố giá một đằng nhưng bán giá một nẻo”, hoặc công bố khối đủ nhưng cửa hàng bán khối thiếu…
Liên quan vấn đề trượt giá vật tư, ông Hùng cho biết, sau buổi làm việc này, lãnh đạo Sở Xây dựng sẽ có báo cáo chính thức với lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với các trường hợp vượt thẩm quyền xử lý ở Cà Mau, sẽ kiến nghị UBND tỉnh để có tờ trình nhờ sự hỗ trợ, can thiệp xứ lý từ Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
“Trước mắt chúng tôi sẽ kiến nghị với UBND tỉnh cho tạm dừng, giảm tiến độ một số công trình nhằm giảm thiệt hại”, ông Hùng nói.