Đây là hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể có quy mô lớn tại Cà Mau trong nhiều năm qua, quy tụ sự tham gia của nhiều chuyên gia, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đơn vị chức năng từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (đứng) tham gia thảo luận tại hội nghị phát triển kinh tế tập thể. |
Hội nghị lần này nhằm đánh giá thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu, đề ra các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể tại Cà Mau cả trước mắt và lâu dài.
Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau giai đoạn 2024-2030 được Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh Cà Mau thu thập thông tin của 167 hợp tác xã còn hoạt động trên địa bàn, xây dựng nội dung dựa trên hiện trạng thực tế của địa phương, thẩm định của nhóm chuyên gia và ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng.
Gần 1 ngày diễn ra, hội nghị phát triển kinh tế tập thể tại Cà Mau thông qua Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2024-2030. |
Theo đề án đã được thông qua, trong giai đoạn 2024-2030, Cà Mau huy động hơn 726 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể một cách toàn diện.
Để triển khai Đề án thành công, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế tập thể nói chung, kinh tế tập thể và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, trên địa bàn tỉnh gắn với thị trường, với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP… hiệu quả và bền vững, là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, quy tụ và thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân cùng tham gia.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Đây không chỉ là yêu cầu mà còn là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay… Nhận thức và tư duy này cần phải thấm nhuần trong toàn hệ thống chính trị, từ đó tạo nên sự lan tỏa trong nhân dân.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và các đơn vị chức năng trong tỉnh tập trung quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII; Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Đề án, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về tiếp tục đối mới, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…
Sản xuất hàng thủ công truyền thống theo phương thức hộ gia đình tại vùng nông thôn huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). |
Thời gian qua, thực hiện các chính sách đã ban hành của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Tuy vậy, kinh tế tập thể vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Tính đến tháng 2/2024, toàn tỉnh Cà Mau có 936 Tổ hợp tác, 299 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã nhưng chỉ có số ít hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, còn lại đa số hoạt động chưa như kỳ vọng. Trong đó, số lượng hợp tác xã không hoạt động đến 61, chiếm hơn 20%.
Trong bối cảnh thời cơ, thách thức đan xen như hiện nay đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể phải thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, tận dụng tốt các cơ hội để phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.