Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới

Sáng 2/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc diễn đàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc diễn đàn.

Đồng chủ trì Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Diễn đàn được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới ảnh 1

Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện thường niên của Chính phủ, là Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, nơi cùng nhau chia sẻ, trao đổi, đưa ra những định hướng, quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Việt Nam đang thực hiện 100 năm Ngày thành lập Đảng, thành lập nước, do đó phải huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế để phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… phù hợp xu thế thế giới, trong đó phải huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác nhau, nhất là thành phần hợp tác xã.

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới ảnh 2

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại điểm Văn phòng Chính phủ và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thủ tướng nêu rõ, quá trình hình thành và phát triển hợp tác xã trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Tại Việt Nam, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã cũng đã hình thành và phát triển gần 70 năm và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khu vực kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam (gồm Kinh tế Nhà nước, Kinh tế tập thể, Kinh tế tư nhân, Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “… coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân… Phải nhận thức rõ: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị... là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên”.

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hóa, xã hội trên mỗi địa bàn; trong đó: đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới ảnh 3

Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự diễn đàn.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa các hợp tác xã và với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

Thủ tướng lưu ý, Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn hạn chế, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế…, do đó cách làm là cái gì đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì áp dụng; không cầu toàn, không nóng vội. Thủ tướng nêu rõ, khi tổ chức thực hiện phải phù hợp tình hình, hoàn cảnh.

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới ảnh 4
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự diễn đàn.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp. Một số thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Hiệu quả hoạt động hợp tác xã chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế; phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh không cao.

Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Như nhận định của Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ rõ: “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi”. Từ đó, chúng ta phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới để góp phần tháo gỡ khó khăn, hạn chế bất cập, điểm yếu, vượt qua thách thức.

Tại Diễn đàn này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính: phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian tới; kinh nghiệm quý, bài học hay trong nước, quốc tế; hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải đổi mới như thế nào để thiết thực, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt phải phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để khu vực này bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu, tham luận ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đề ra các giải pháp khả thi, hiệu quả để tăng cường phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/12/2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã, 125 liên hiệp hợp tác xã và 71.000 tổ hợp tác. So với năm 2021, số hợp tác xã tăng 2.036 hợp tác xã (tăng khoảng 7%), liên hiệp hợp tác xã tăng 18 liên hiệp hợp tác xã (tăng khoảng 17%) và số tổ hợp tác giảm hơn 2.000 tổ hợp tác (giảm khoảng 3%).

Số hợp tác xã thành lập mới năm 2022 là khoảng 2.600 hợp tác xã, giải thể 564 hợp tác xã. Trong tổng số hợp tác xã toàn quốc có khoảng 19.500 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm khoảng 66,4%) và gần 10 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp (bao gồm 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (4,0%); 2.500 hợp tác xã Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp (8,5%); 2.300 hợp tác xã thương mại, dịch vụ (7,83%); 1.700 hợp tác xã giao thông vận tải (5,79%); 940 hợp tác xã xây dựng (3,2%); 554 hợp tác xã môi trường (1,9%); và các hợp tác xã lĩnh vực khác (2,08%)).

Tổng số thành viên hợp tác xã là 5.935 nghìn thành viên, tăng 243 nghìn thành viên (tăng khoảng 4%) so với năm trước; số hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã là 851 hợp tác xã, tăng 183 hợp tác xã (tăng khoảng 27%) so với năm 2021 và tổng số thành viên tổ hợp tác là 1.044 nghìn thành viên, giảm hơn 53 nghìn thành viên (giảm khoảng 5%) so năm 2021; tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 976,3 nghìn người, giảm khoảng 9% so với năm 2021.

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới ảnh 5

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư phát biểu tại diễn đàn.

Uớc thực hiện năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73 nghìn tổ hợp tác. So với năm 2022, số hợp tác xã tăng khoảng 2.200 hợp tác xã (tương đương tăng 7,9%), liên hiệp hợp tác xã tăng 23 liên hiệp hợp tác xã (tăng khoảng 26,4%) và số tổ hợp tác tăng khoảng 2.000 (tăng 2,8%). Số hợp tác xã thành lập mới năm 2023 đạt khoảng 2.700 hợp tác xã, giải thể gần 400 hợp tác xã. Trong tổng số hợp tác xã toàn quốc có 20.357 hợp tác xã nông nghiệp và 11.343 hợp tác xã phi nông nghiệp.

Nhìn chung, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác năm 2022 đều tăng so với năm trước, do đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát; Chính phủ thực thi nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân khôi phục sản xuất-kinh doanh; các hợp tác xã nỗ lực tìm kiếm thị trường và tăng cường sản xuất.

Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 3.592 triệu đồng/hợp tác xã/năm, tăng 935 triệu đồng (tăng 35%) so với năm 2021. Lãi bình quân của 1 hợp tác xã năm 2022 là 366 triệu đồng hợp tác xã/năm (tăng 152 triệu đồng, tương đương tăng khoảng 71% so năm 2021); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng người (tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương tăng 8% so năm 2021).

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới ảnh 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về kinh tế hợp tác xã tại diễn đàn.

Đến tháng 6/2023, cả nước có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, có trên 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số hợp tác xã nông nghiệp, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.