Kinh tế tập thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn

Thời gian qua, nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã cơ bản thay đổi từ cấp ủy, cơ quan, đoàn thể và trong nhân dân. Tại Lâm Đồng, số lượng và chất lượng HTX, tổ hợp tác ngày càng phát triển mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động; quy mô ngày càng lớn, hoạt động trong nhiều ngành nghề. Phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh của kinh tế hợp tác đã thay đổi phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Thành viên HTX Trường Gia Phát, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, thực hiện quy trình sản xuất hồng treo.
Thành viên HTX Trường Gia Phát, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, thực hiện quy trình sản xuất hồng treo.

Những năm gần đây, các loại hình kinh tế tập thể ở Lâm Đồng, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tăng cả về số lượng và chất lượng. Các HTX đã phát huy vai trò, đổi mới sáng tạo phù hợp xu thế phát triển, doanh thu và lợi nhuận ngày càng tăng, hỗ trợ tốt cho nhà nông tham gia chuỗi giá trị làm ăn hiệu quả.

Phát huy vai trò hợp tác xã

Thành lập năm 2017, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt (Sunfood Dalat CO.OP) là đơn vị tốp đầu tại Lâm Đồng triển khai hiệu quả chuỗi liên kết trong nông nghiệp, với 120 thành viên hợp tác sản xuất trên diện tích 70 ha. HTX cung cấp cây giống, phân bón, quy trình sản xuất khép kín cho các thành viên và các hộ nông dân liên kết trên địa bàn. Hiện HTX cung ứng thị trường hơn 120 sản phẩm gồm rau đạt chuẩn VietGAP, hàng đặc sản, trái cây và hoa Đà Lạt qua hơn 600 cửa hàng, siêu thị, điểm liên kết, doanh nghiệp hợp tác tại hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Sunfood Dalat CO.OP Phạm Ngọc Thạch cho biết, HTX tính toán chi tiết với thành viên liên kết, trồng loại cây gì, lời lãi bao nhiêu trên từng diện tích, thành viên chỉ thực hiện đúng quy trình mà HTX đưa ra là bảo đảm có lợi nhuận.

“Chúng tôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, quy trình đồng bộ, có giám đốc sản xuất, dưới đó có lực lượng kỹ sư, mỗi kỹ sư quản lý theo mảng, theo loại cây trồng và họ dự toán được sản lượng để HTX đưa ra kế hoạch sản xuất, luôn chủ động về sản phẩm”, ông Thạch thông tin.

Là thành viên trong chuỗi liên kết, chị Lê Thị Tuất (thành phố Đà Lạt) cho biết: “Gia đình tôi có 3.000 m2 đất, trước đây canh tác kiểu cũ rất bấp bênh, giờ trở thành thành viên của Sunfood Dalat CO.OP, được kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật, HTX hỗ trợ áp dụng khoa học-công nghệ tưới, bón phân tự động, công nghệ IoT, bao tiêu sản phẩm... giờ yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng để tăng thu nhập”.

Thêm một mùa hồng thơm thảo trên cao nguyên Langbiang. Những trái hồng đạt độ chín, to tròn được hái xuống và xử lý theo công nghệ hồng treo gió, đã trở thành đặc sản của thành phố cao nguyên Đà Lạt, được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao, có mặt trên khắp cả nước.

“Giá trị trái hồng tăng lên, người trồng có thu nhập khá hơn. Giữ cây hồng, chúng ta không chỉ giữ một sinh kế, mà còn giữ hình ảnh, đặc sản của vùng đất cao nguyên thơ mộng”, bà Bùi Thị Kim Liên, Phó Giám đốc HTX Trường Gia Phát (thành phố Đà Lạt), đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm từ trái hồng và cà-phê, cho hay. Qua hơn sáu năm thành lập, hiện các sản phẩm của HTX đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng, có mặt tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị trên toàn quốc.

“Trước đây, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao có được sản phẩm chất lượng rồi bán, chứ chưa để ý đến việc thực hiện các quy trình để sản phẩm có thương hiệu, hay các chứng nhận an toàn để mở rộng thị trường. Tham gia thị trường lớn mới thấy vì sao thành lập HTX là hướng đi đúng đắn”, bà Liên nói.

Thành lập từ năm 2004, hiện HTX Nông nghiệp tổng hợp An Phú, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng có hơn 60 ha sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Những năm gần đây, HTX triển khai công nghệ 4.0 đến các trang trại thành viên và hiệu quả tăng lên rõ rệt, như kết nối IoT, nhật ký sản xuất điện tử, công nghệ tưới Israel… Ông Lê Văn Ba, Giám đốc HTX cho biết: “Chất lượng và số lượng sản phẩm phải bảo đảm theo đơn đặt hàng để xác tín. Để làm được việc đó, phải phát huy vai trò của HTX, nhất là phải đổi mới sáng tạo mới bắt nhịp được xu thế phát triển”.

Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5 Liên hiệp HTX, 550 HTX với hơn 73.500 thành viên, tổng vốn điều lệ khoảng 1.155 tỷ đồng và 403 tổ hợp tác; chủ yếu hoạt động lĩnh vực nông nghiệp. “Phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh của HTX tại địa phương thay đổi phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Trong đó, việc liên kết tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là một phương thức tất yếu. Kinh tế tập thể đóng góp khá tốt vào GRDP và ngân sách địa phương, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết.

Đổi mới để phát triển

Ở địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Đam Rông, Lâm Đồng, việc có được sản phẩm vươn tầm quốc tế như chuối Laba, của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, là một trong những đột phá của ngành nông nghiệp. Bởi, cách đây khoảng 5 năm, cây chuối vẫn là điều lạ lẫm với người dân.

“Đối với nông dân chúng tôi, việc tìm được một loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đã là niềm vui lớn. Thế nên, khi có được đơn vị liên kết, bao tiêu sản phẩm, chúng tôi càng yên tâm sản xuất để có sản phẩm tốt nhất, đó cũng chính là sản xuất bền vững”, ông Hoàng Văn Cường, thành viên HTX Laba Banana Đạ K’Nàng chia sẻ.

Nhờ việc xác định được giá trị của sản phẩm, cũng như cách thức xây dựng HTX, xác định hướng đi đúng đắn mà hiện nay, sản phẩm chuối Laba của HTX đã chinh phục nhiều thị trường khó tính, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia… Hàng chục nông dân là đồng bào dân tộc Cơ Ho, Mnông nơi đây đã có đời sống khấm khá hơn, nhờ tham gia chuỗi liên kết của HTX.

Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng Nguyễn Huy Phương thông tin, khoảng 70% sản lượng chuối của HTX phục vụ thị trường xuất khẩu, còn lại được tiêu thụ trong nước. “Chúng tôi xác định, liên kết mới phát triển bền vững và mở rộng quy mô. Tham gia chuỗi liên kết, thành viên được hỗ trợ vốn để mua cây giống, vật tư, phân bón, hướng dẫn về kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngược lại, thành viên phải cam kết tuân thủ quy trình sản xuất của HTX, sản phẩm đúng quy cách, tiêu chuẩn theo hợp đồng”, ông Phương cho hay.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Lâm Đồng, hiện địa phương có nhiều mô hình HTX đi đầu ở khu vực Tây Nguyên về ứng dụng công nghệ cao, cùng các chuỗi liên kết cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Lợi nhuận bình quân của HTX nông nghiệp hơn 350 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động trong HTX khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng.

“Hợp tác liên kết là một trong những nền tảng của kinh tế tập thể, tạo ra khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khắc phục được những nhược điểm mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng Đinh Thị Hạnh cho biết.

Hiện các đơn vị kinh tế tập thể Lâm Đồng chủ động thay đổi để hội nhập, đồng thời điều chỉnh hoạt động để phù hợp với Luật HTX năm 2023 vừa được thông qua. Những đổi mới của Luật HTX 2023 được đánh giá sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các HTX tham gia vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong đó, xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển của kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong từng thời kỳ; chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu và mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trước hết, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; phải gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ HTX được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Các HTX phải coi quản trị HTX như mô hình doanh nghiệp theo tinh thần nghị quyết về HTX kiểu mới… Khi thực hiện được những giải pháp đồng bộ về kỹ thuật-công nghệ, quản trị, thị trường… tin rằng, kinh tế tập thể sẽ phát triển lên tầm cao mới.