Cà Mau ra “tối hậu thư” hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến tránh quốc lộ 1A

Tuyến tránh quốc lộ 1A qua TP Cà Mau là một trong những dự án sử dụng nguồn vốn lớn của Trung ương tại tỉnh Cà Mau nhưng khâu giải phóng mặt bằng chưa thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau kiểm tra vướng giải phóng mặt bằng tại dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A qua TP Cà Mau.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau kiểm tra vướng giải phóng mặt bằng tại dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A qua TP Cà Mau.

Thông tin nhanh với Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải trong chuyến kiểm tra thực tế vào chiều 18/2, đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công cho biết, tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 1.200 tỷ đồng. Toàn tuyến tránh dài hơn 14 km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng và đầu tư mới 10 cây cầu. Dự án triển khai thi công vào cuối tháng 12/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022.

Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến tránh này góp phần giảm tải cho quốc lộ 1A đoạn đi qua trung tâm TP Cà Mau, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tuy nhiên, khâu giải phóng mặt bằng tuyến tránh nêu trên hiện gặp một số trở ngại, do còn hàng chục hộ dân vùng dự án ở địa bàn TP Cà Mau và điểm cuối tuyến tránh ở địa bàn huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) chưa chịu bàn giao mặt bằng, chưa thống nhất giá đền bù, hỗ trợ hoặc yêu cầu hỗ trợ, bồi thường với mức cao hơn so với quy định…

Cà Mau ra “tối hậu thư” hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến tránh quốc lộ 1A -0
Một góc hạ tầng khu tái định cư cho người dân. 

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, sau khi đi thực tế nắm tình hình và nghe báo cáo từ chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu chính quyền TP Cà Mau và huyện Cái Nước phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong khâu giải phóng mặt bằng, hạn chót để hoàn thành đối với chính quyền TP Cà Mau là vào cuối tháng 3/2022, đối với chính quyền huyện Cái Nước là ngày 15/3/2022.

“Chính quyền huyện Cái Nước và TP Cà Mau phải hoàn thành giải phóng mặt bằng chậm nhất vào thời gian đã ấn định, tuyệt đối không để đơn vị thi công chờ mặt bằng” - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh, đồng thời nhắc nhở trong quá trình giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương cần lưu ý việc thu hồi phải đúng pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, tạo đồng thuận của dân, không được chèn ép nhân dân; chú ý chăm lo đến cuộc sống của người dân để đời sống của người dân vùng dự án đi qua từ bằng hoặc tốt hơn trước.

Muốn vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan phải xuống khảo sát thực tế từng trường hợp dân chưa đồng thuận xem bà con còn thắc mắc ở đâu để giải thích cặn kẽ giúp dân hiểu và đồng thuận. Trường hợp phương án tính toán bồi thường, hỗ trợ làm chưa chặt, chưa sát, chưa đúng… thì phải điều chỉnh và tính toán lại đủ cho dân nhưng không được tính vượt hoặc làm sai quy định của pháp luật…

Sáng cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường hành lang Đông-Tây tỉnh Cà Mau; một số tuyến giao thông liên xã ở địa bàn huyện Năm Căn và Đầm Dơi còn ách tắc bởi đò giang cách trở vì chưa có cầu…

Tại tuyến giao thông mở rộng về xã Hàng Vịnh của huyện Năm Căn, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu đơn vị chức năng và địa phương xem lại phương án bồi thường đất bị thu hồi vì mức giá quá cao, thậm chí còn cao hơn vùng nội ô TP Cà Mau.

Tại khu kinh tế Năm Căn có vốn lớn hỗ trợ của Trung ương, đồng chí Bí thư Cà Mau lưu ý chính quyền tỉnh cần làm việc lại để “chốt” với các đơn vị đã có chủ trương giao đất xem có triển khai, thực hiện dự án hay không; nếu thực hiện thì khi nào triển khai, mức đầu tư, lộ trình hoàn thành thế nào phải rõ ràng. Còn ngược lại, tỉnh kiên quyết thu hồi để giao đất cho nhà đầu tư khác triển khai dự án, tránh trường hợp “xí phần” rồi không chịu làm gây lãng phí cả vốn đầu tư và tài nguyên đất đai.