Cà Mau chọn lĩnh vực thế mạnh, đột phá để làm khoa học công nghệ

Năm 2024, cần xác định chính xác, phân loại, phân luồng đúng tầm nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở Cà Mau để triển khai có hiệu quả, nâng cao tài sản sở hữu trí tuệ, áp dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
Cà Mau ứng dụng công nghệ mới tuần hoàn nước khép kín vào nuôi tôm thẻ siêu thâm canh.
Cà Mau ứng dụng công nghệ mới tuần hoàn nước khép kín vào nuôi tôm thẻ siêu thâm canh.

Sáng 11/1, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.

Cà Mau chọn lĩnh vực thế mạnh, đột phá để làm khoa học công nghệ ảnh 1

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2024 tại Cà Mau.

Năm 2023, ngành khoa học và công nghệ Cà Mau hoàn thành 3/3 nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh giao; hoạt động triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở Cà Mau kịp thời, đúng quy định; công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ bám sát vào các chủ trương, chỉ đạo của bộ, ngành chủ quản.

Hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã triển khai kịp thời các nội dung theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đề ra. Công tác triển khai nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và nhân rộng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực đã có nhiều cải thiện, ứng dụng các kết quả đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

Cà Mau chọn lĩnh vực thế mạnh, đột phá để làm khoa học công nghệ ảnh 2

Quy trình công nghệ tuần hoàn nước khép kín ứng dụng vào nuôi tôm siêu thâm canh giúp hạ giá thành sản xuất, nâng cao tỷ lệ thành công.

Trong quản lý khoa học, đã tổ chức hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện 18/18 đề tài/dự án, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, có 2 dự án đạt loại xuất sắc, 2 dự án đạt loại khá, 14 đề tài/dự án còn lại xếp loại đạt.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị, trong năm 2024, ngành khoa học và công nghệ Cà Mau cần xác định chính xác, phân loại, phân luồng đúng tầm nhiệm vụ khoa học và công nghệ để triển khai có hiệu quả; nâng cao tài sản sở hữu trí tuệ; áp dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học.

Tập trung các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; kiểm soát dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao; xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Với nhiệm vụ khoa học và công nghệ hằng năm, cần tập trung vào các nhiệm vụ mang tính đột phá, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ưu tiên lựa chọn các đề tài, dự án khoa học và công nghệ liên quan đến sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cụ thể, có sự tham gia của doanh nghiệp; kết quả đề tài, dự án phải có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của người dân…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, Cà Mau vẫn còn là tỉnh “trũng” về nguồn nhân lực làm khoa học, công nghệ, thiếu các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia; nguồn nhân lực làm khoa học và công nghệ có hạn.

Vì vậy, đối với những nghiên cứu khoa học nào mà ngành không có đủ điều kiện tự làm do thiếu hụt nguồn nhân lực thì cần đặt hàng, thậm chí là đi mua nếu cần thiết cho sự đột phá của tỉnh.

“Đã làm khoa học thì phải làm cho đến nơi đến chốn; làm khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau thì phải có cách nghĩ và cách làm của người Cà Mau, sát với thực tế. Chúng ta không tham vọng, không đặt yêu cầu cao, không yêu cầu cái gì cũng 100% nhưng phải chọn lĩnh vực đột phá và là thế mạnh của tỉnh, ngành và địa phương” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải gợi mở.