Cá lồng ở Huổi Só chết trắng trên lòng hồ

NDO - Gần một tháng qua, hàng chục gia đình nuôi cá lồng trên lòng hồ Sông Đà thuộc địa bàn xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vô cùng lo lắng, vì cá chết tăng lên mỗi ngày. Phần lớn cá bị chết đang trong kỳ tăng trưởng và cá thương phẩm chuẩn bị xuất bán, gây tổn thất lớn cho nhiều gia đình...
0:00 / 0:00
0:00
Cá chết nổi trên mặt nước tại các lồng nuôi trên sông Đà thuộc địa phận xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Cá chết nổi trên mặt nước tại các lồng nuôi trên sông Đà thuộc địa phận xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Đưa chúng tôi ra thăm các lồng cá trên lòng hồ cạn nước, ông Phàn A Bụ - người nuôi cá ở thôn Huổi Só, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, nói trong lo lắng. Ông Bụ nói, chưa năm nào nước lòng hồ sông Đà trên địa phận xã Huổi Só giảm sâu như năm nay, nên người nuôi cá ở đây không thể dự liệu tình huống.

Cá lồng ở Huổi Só chết trắng trên lòng hồ ảnh 1

Gần một tháng qua, mỗi ngày các gia đình nuôi cá ở Huổi Só đều vớt lên những con cá chết như thế này.

Ông Bụ cho biết: "Để khắc phục, chúng tôi đầu tư thêm kinh phí mua lồng tách cá; đồng thời điện báo tư thương để xuất bán dần. Nhưng mỗi ngày qua số cá chết lại tăng nhiều hơn; cá to chết, cá nhỏ cũng chết. Đến nay, số cá của gia đình tôi bị chết lên đến gần 40%".

Cùng xã Huổi Só, gia đình ông Phàn A Hạnh có 18 lồng cá nuôi trên lòng hồ sông Đà, cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Bằng kinh nghiệm của người nhiều năm nuôi cá ở địa phương, ông Hạnh cũng cho biết chưa bao giờ xảy ra tình trạng cá chết như vậy, nên người dân không có phương án đề phòng.

Ông Phàn A Hạnh chia sẻ: Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 10-20 con cá (chủ yếu cá lăng) bị chết. Cả năm trời trông chờ vào tiền bán cá, giờ cá chết gia đình đang rất lo lắng vì số tiền đầu tư nuôi cá lớn mà chủ yếu là vốn vay ngân hàng, người thân.

“Cá chết thế này là chết hết cả vốn”, ông Hạnh buồn bã nói!

Cá lồng ở Huổi Só chết trắng trên lòng hồ ảnh 2

Mực nước sông Đà trên địa bàn xã Huổi Só xuống thấp nhất từ trước đến nay.

Khẳng định thực trạng cá chết trên lòng sông Đà ở Huổi Só là đúng, ông Tẩn A Đạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huổi Só cho biết: Hiện tượng cá lồng nuôi trên sông Đà chết nhiều là đúng, song hiện tại chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn chưa thống kê số lượng cụ thể vì cá chết đến đâu thì các hộ nuôi vớt đến đấy. Gần đây, thời tiết tại Huổi Só nắng nóng hơn, cá chết cũng nhiều hơn. Thực trạng này đã và sẽ rất khó khăn với các hộ nuôi bởi hầu hết các hộ nuôi cá lồng ở địa phương đều thuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La; vốn đầu tư lồng, mua cá giống đều là tiền người dân đi vay ngân hàng hoặc người thân.

Tìm hiểu nguyên nhân về thực trạng cá lồng của người dân Huổi Só chết hàng loạt, ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Qua điều tra và thông tin từ phía người dân, bước đầu cơ quan chuyên môn nhận định nguyên nhân cá chết là do nắng nóng kéo dài, nước lòng hồ sông Đà trên địa phận xã Huổi Só giảm sâu bất thường.

Cùng với đó, đầu tháng 5/2023, xuất hiện một số đợt mưa, khiến biên độ nhiệt chêch lệch trong ngày lớn làm suy giảm oxy đột ngột, do đó cá bị chết do thiếu oxy cục bộ. Thêm vào đó là hiện tượng các dải tảo nâu đỏ hình thành trên mặt hồ làm tăng nồng độ CO2 trong nước cạnh tranh lượng oxy càng khiến cá trong lồng thiếu oxy nhiều hơn.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cá chết tại Huổi Só, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Tủa Chùa đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện có văn bản đề nghị các xã có các gia đình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà cần vào cuộc tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi và chăm sóc cá nuôi hằng ngày, nhất là vào sáng sớm, chiều tối để có biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường.

Cùng với đó, huyện cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân vệ sinh lồng nuôi để bảo đảm lưu tốc dòng nước chảy; theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, chú trọng xử lý triệt để lượng thức ăn dư thừa nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

Với những gia đình có cá chết cần khẩn trương thu vớt cá chết, giảm mật độ nuôi và thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường nhằm hạn chế bệnh cho cá. Trong trường hợp nghi ngờ cá nuôi bị bệnh, cần báo ngay chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng.

Đối với cá nuôi khi đạt kích thước thương phẩm cần tranh thủ thu tỉa khi được giá để giảm mật độ nuôi, tăng thu nhập. Cùng với đó, các xã cần cử người theo sát diễn biến, thống kê thiệt hại; huy động lực lượng giải cứu số cá đang có nguy cơ bị chết. Căn cứ tình hình thực tế chính quyền các xã chủ động báo cáo , đề xuất cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.