Sau khi rà soát theo nội dung, nguyên tắc và mức hỗ trợ đề nghị trên và mức độ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại các địa phương, Bộ NN và PTNT đề nghị hỗ trợ tổng cộng 515,300 tỷ đồng; đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
* Tại tỉnh Ðắk Nông, đập thủy lợi Thuận An (huyện Ðăk Mil), công trình chứa nước lớn trên địa bàn rộng 52 ha tưới cho hàng nghìn héc-ta đất đã cạn nước, trơ đáy. Hiện có khoảng 17.068 ha cây trồng các loại bị thiếu nước, hạn hán. Riêng tại xã Nam Xuân, huyện Krông Nô ước tính đã có gần 1.200 ha cây trồng bị khô héo, thiếu nước.
* Phòng NN và PTNT huyện Kbang (Gia Lai) cho biết, huyện hiện có 37 công trình thủy lợi cấp nước tưới vụ đông xuân cho 959,4 ha (lúa nước hơn 796 ha, cây công nghiệp dài ngày 84,5 ha, ngắn ngày gần 69 ha). Do nắng hạn kéo dài, hầu hết các công trình thủy lợi đều thiếu hụt nguồn nước, mực nước tại các hồ thủy lợi thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5 m đến 2,3 m; mực nước trước cống đầu kênh chính của một số đập thủy lợi thấp hơn cùng kỳ từ 8 cm đến 10 cm. Dự báo, nhiều khả năng thiếu nước tưới và xảy ra hạn hán vào cuối vụ.
* Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn sẽ diễn ra gay gắt tại đồng bằng sông Cửu Long; ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu từ 95 đến 100 km trên sông Vàm Cỏ; từ 50 đến 55 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại, Cổ Chiên... Các địa phương cần chủ động tích trữ nước ngay khi có thể để đề phòng mặn tiếp tục cao trong tháng 4.
* Từ đầu mùa khô đến nay, diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng do hạn mặn tại tỉnh Kiên Giang khoảng 4.220 ha, trong đó hơn 1.550 ha thiệt hại dưới 30%, hơn 1.800 ha thiệt hại từ 30 đến 70%, còn lại thiệt hại từ 70 đến 100%…
* Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hạn hán mùa khô năm 2019 - 2020 đã làm gần 20.500 ha lúa, 2.378 ha tôm nuôi bị thiệt hại, 43.583 ha rừng bị khô hạn, nguy cơ cháy cao và 20.851 hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt.
* Theo Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Bình, tình trạng chuột gây hại trên các trà lúa vụ đông xuân của tỉnh là 233 ha, tăng gấp hai lần so với vụ trước. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã cấp hóa chất cho các địa phương diệt chuột. Các xã, hợp tác xã nông nghiệp cũng thường xuyên vận động nông dân sử dụng phương pháp thủ công đánh bắt được 262.850 con chuột.
* Ngày 14-4, Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn kèm gió mạnh, khiến hơn 10 nghìn ha lúa đông xuân bị ngã đổ và hơn 4.100 ha bị ngập úng. Các địa phương bị thiệt hại nặng gồm các huyện Phú Vang, Phong Ðiền, Quảng Ðiền, thị xã Hương Thủy...
* Ngày 14-4, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày qua mưa dông kèm theo gió lớn xảy ra làm hơn 1.000 ha lúa vụ đông xuân bị đổ rạp, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng lúa. Ðể khắc phục thiệt hại, Sở đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân buộc dựng lúa lại, tháo khô nước tại các ruộng để tránh lúa ngập úng, nảy mầm.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông trên cao, từ ngày 14 đến 16-4, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian xảy ra mưa dông tập trung vào chiều và đêm); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
* Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Ðông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ có khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Ðông, trong đó có năm đến sáu cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; số lượng cơn bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong nửa cuối năm.
* Tại tỉnh Bến Tre, đến nay, nước mặn đã xâm nhập toàn bộ địa bàn tỉnh, làm hơn 5.200 ha lúa bị thiệt hại hơn 95% ; cây ăn quả hơn 100 ha và 792 ha dừa (giai đoạn cho quả) bị thiệt hại từ 30% trở lên. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng nghêu chết tại huyện Bình Ðại với hơn 579 ha; cá tra bị thiệt hại do hạn mặn khoảng 133 ha, diện tích tôm càng xanh khoảng 1.476 ha... Ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó.
Ngày 14-4, Chi cục Thú y Bắc Kạn thông tin, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại địa bàn các huyện Chợ Ðồn, Chợ Mới và Ngân Sơn. Trước đó, từ ngày 1 đến 9 - 4, trên đàn lợn của các hộ chăn nuôi ở thôn Bản Súng, xã Vân Tùng (Ngân Sơn), thôn Nà Ba, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới), thôn Thôm Phả, xã Ðồng Lạc (Chợ Ðồn) có 45 con lợn bị ốm, chết. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi cấp thôn, xã; rà soát, thống kê đàn lợn tại ổ dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm; công bố dịch bệnh theo quy định; tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh. |
Cà Mau phạt bốn tàu cá hơn 1,6 tỷ đồng Ngày 14-4, UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bốn tàu cá của tỉnh Kiên Giang hoạt động trên vùng biển Cà Mau, tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Các tàu cá bị xử phạt, gồm: KG-94367-TS, KG-93395-TS, KG-92799-TS và KG-95839-TS, chủ tàu cùng ngụ tỉnh Kiên Giang. Các tàu cá nêu trên bị phạt với hai hành vi: Không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên; tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị. Ngoài phạt tiền chủ tàu (mỗi tàu 404 triệu đồng), cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau còn tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá Việt Nam trong thời hạn chín tháng đối với thuyền trưởng của bốn tàu cá vi phạm. Trước đó, Ðội Kiểm tra liên ngành 335 đã kiểm tra đột xuất bốn tàu cá Kiên Giang đang hoạt động trên vùng biển Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nhưng không có thiết bị giám sát hành trình. Các chủ tàu cá nêu trên đều thừa nhận hành vi vi phạm. |