Bất chấp sự phản đối từ Hungary và Ba Lan, Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU đã vượt “cửa ải” cuối cùng với sự thông qua của chính phủ các nước thành viên.
Nhấn mạnh tiêu chí đoàn kết và trách nhiệm, Hiệp ước mới là một bộ gồm 10 công cụ, được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa việc kiểm soát biên giới và tăng tình đoàn kết trong tiếp nhận người di cư tại châu Âu.
Theo bộ luật này, để hỗ trợ các nước EU đang gặp áp lực di cư, các quốc gia thành viên khác của EU sẽ phải tham gia vào việc tái định cư những người xin tị nạn, hoặc lựa chọn hình thức khác là đóng góp tài chính hay cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Luật cũng bao gồm quy định nhằm giải quyết các tình huống khủng hoảng và bất khả kháng, thiết lập một cơ chế ứng phó với sự gia tăng đột ngột lượng người di cư; đồng thời quy định rõ ràng về quy trình sàng lọc trước khi nhập cảnh như nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học…
Việc trục xuất những người xin tị nạn không được chấp nhận cũng sẽ được đẩy nhanh. Các quy định mới dự kiến được áp dụng từ năm 2026.
Lâu nay, thúc đẩy chính sách mới liên quan đến người di cư và tị nạn chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với EU do những khác biệt lớn trong quan điểm, lợi ích của các nước thành viên.
Bởi vậy, việc EU cuối cùng đã thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn được xem là bước tiến lịch sử của khối nhằm ứng phó thách thức di cư, một trong những thách thức lớn nhất mà EU phải đối mặt trong thập kỷ qua. Giới chức châu Âu đã dành nhiều bình luận tích cực cho bước đi quan trọng nêu trên.
Bà Nicole de Moor, Bộ trưởng Tị nạn và Di cư Bỉ, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, khẳng định: Các quy định mới này sẽ tăng tính hiệu quả của hệ thống tị nạn châu Âu và tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên EU.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Di cư và tị nạn của Hy Lạp Dimitris Kairidis đều gọi đây là sự kiện lịch sử.
Nỗ lực sửa đổi các quy định về tị nạn của EU đã kéo dài gần một thập kỷ qua, xuất phát từ làn sóng di cư trái phép ồ ạt vào năm 2015, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân các nước EU. Vấn đề người di cư từng bị lu mờ trong chương trình nghị sự của khối khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến các nước buộc phải đóng cửa biên giới.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 dần hạ nhiệt và chính sách mở cửa trở lại biên giới được thực thi, dòng người di cư trái phép vào EU tăng mạnh. Báo cáo của Cơ quan tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) cho biết, trong năm 2023, số đơn xin tị nạn ở EU cùng Na Uy và Thụy Sĩ đã tăng lên mức 1,14 triệu đơn, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng người di cư giai đoạn 2015-2016.
Theo EUAA, nhóm công dân Syria và Afghanistan vẫn là nhóm nộp đơn xin tị nạn nhiều nhất. Số lượng đơn xin tị nạn cao vọt đã gây áp lực lớn cho các quốc gia châu Âu. Vấn đề di cư cũng quay trở lại danh sách ưu tiên trong chương trình nghị sự của EU.
Việc thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn được xem là một thành công chính trị lớn của EU trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Về lý thuyết, theo hiệp ước, EU sẽ phân bổ người nhập cư cho 27 quốc gia thành viên, buộc các quốc gia phải có nghĩa vụ giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ làn sóng di cư.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, việc triển khai sẽ rất phức tạp do không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có xu hướng nỗ lực thực thi. Ngoài ra, một số đảng cực hữu ở các nước cũng chỉ trích hiệp ước này chưa đủ cứng rắn với làn sóng di cư.