“Bội thu” tiểu thuyết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng

NDO - Trại sáng tác văn học về đề tài "Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng" năm 2022 vừa kết thúc tại Nhà sáng tác Cần Thơ với 16 bản thảo đủ các loại hình: tiểu thuyết, trường ca, thơ, bút ký, truyện ngắn, nghiên cứu-phê bình... đã cho thấy tiềm năng khai thác và sức hấp dẫn của đề tài đối với các cây bút qua nhiều thế hệ.
0:00 / 0:00
0:00
Giao lưu văn nghệ sĩ tại lễ bế mạc Trại sáng tác văn học đề tài "Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng" năm 2022 tại Cần Thơ.
Giao lưu văn nghệ sĩ tại lễ bế mạc Trại sáng tác văn học đề tài "Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng" năm 2022 tại Cần Thơ.

Được tổ chức định kỳ hằng năm (chỉ tạm dừng trong năm 2021 do dịch Covid-19), trại sáng tác văn học đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm nay do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong 2 tuần đầu tháng 9 có sự tham gia của 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học ở các lứa tuổi.

Các thành viên dự trại đã được tham quan thực tế tại các địa phương trong khu vực, thường xuyên trao đổi các vấn đề về sự phát triển của văn học ngày nay; trong đó đặc biệt chú trọng những vấn đề để tìm ra giải pháp “Làm thế nào để nâng cao chất lượng tác phẩm viết về đề tài Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng”, tập trung khơi dậy dòng văn học mang bản sắc miệt vườn sông nước Cửu Long, cũng như hình ảnh người chiến sĩ Quân khu 9 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Sau 2 tuần tập trung lao động, các nhà văn đã hoàn tất công việc đặt ra khi tham dự trại với 16 bản thảo hoàn chỉnh, bao gồm: 8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học và 5 đề cương tiểu thuyết; trong đó có một số đề cương bản thảo tiểu thuyết và trường ca có tính khả thi cao.

Chất lượng lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ dự trại đã được thể hiện ở những sản phẩm có chất lượng thu nhận được tại trại viết có thể điểm qua.

“Bội thu” tiểu thuyết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng ảnh 1

Các nhà văn dự trại khảo sát thực tế tại các địa phương miền Tây Nam Bộ.

Sau tiểu thuyết “Mây vẫn bay về trời” viết tại Trại viết Đà Lạt năm 2020 được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, tại trại viết lần này, nhà văn Hà Đình Cẩn đã hoàn thành tiểu thuyết “Muối của đảo” - câu chuyện xoay quanh những vất vả khó khăn và sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm dầm mình nơi mênh mang biển biếc để bảo vệ biển, đảo quê hương.

Ngoài ra, với sức viết không biết mệt mỏi của “một nhà văn không tuổi”, ông còn tiếp tục hoàn thiện bản thảo tiểu thuyết kể về những người chiến sĩ Quân khu 6 anh hùng trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiểu thuyết mang tên “Vùng da báo” hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ mới trong thời gian tới.

Nhà văn An Bình Minh - một cựu chiến binh từng vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu nơi chiến trường miền Tây Nam Bộ ác liệt năm xưa, đến với trại viết lần này như được trở về với những người đồng đội thuở nào.

Những câu chuyện năm xưa cứ thế ùa về trên từng trang viết. Chỉ vỏn vẹn 15 ngày, ông đã cơ bản hoàn thành tập bản thảo tiểu thuyết “Bi tráng Trường Sơn”. Tác phẩm được thi triển theo 1 lối viết mới của dòng văn học đương đại “Tiểu thuyết ứng dụng”, hứa hẹn sẽ cuốn hút bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.

Nhà văn Châu La Việt thường được gọi đùa bằng biệt danh “Anh cả của những cuộc hội tụ” với sức sáng tạo dồi dào đã hoàn thành tập bản thảo mang tên “Tiếng đàn tuổi hai mươi” - tập ký sự nghệ thuật ngồn ngộn sức sống viết về chân dung của các văn nghệ sĩ, những chiến sĩ văn hóa đã đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đặc biệt hơn, ông đã hoàn thành tập ký sự 200 trang “Những vị tướng trong tâm bão”, viết về những vị tướng, những sĩ quan quân đội, những văn nghệ sĩ trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 vừa qua.

Sau 2 tuần tập trung lao động, các nhà văn đã hoàn tất công việc đặt ra khi tham dự trại với 16 bản thảo hoàn chỉnh, bao gồm: 8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học và 5 đề cương tiểu thuyết.

Nhà thơ Hoàng Quý hoàn thành tập bản thảo trường ca với tên gọi “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc” với gần 2.000 câu thơ vừa hào hùng, vừa thiết tha, mộc mạc, tái hiện lại cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam: “Khi bạn hỏi đất nước tôi bao tuổi/ Xin hãy đếm những ngấn bùn châu thổ quê tôi/ Khi bạn hỏi về tầng sâu lịch sử/ Xin đếm những ngấn bùn bồi đắp nước non tôi/ Như một cuộc trường chinh vĩ đại/ Những ngấn bùn hội tụ ở Giao Châu…”.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc từng là 1 người lính làm công tác xuất bản, (Trưởng đại diện của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh), song nghiệp cầm bút của ông đã từng neo chặt trong lòng bạn đọc bằng những trang văn bi thương mà hùng tráng. Đó là “Cao hơn bầu trời” - bộ tiểu thuyết đồ sộ đồng thời cũng là bộ phim dài tập từng xuất hiện ở giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Đến với trại viết lần này, ngoài tập bản thảo “Núi rộng sông dài” - khắc họa chân dung những danh nhân văn hóa, tướng lĩnh và những người anh hùng đã cơ bản hoàn thành, ông còn dành thời gian để triển khai cuốn tiểu thuyết viết về những trận đánh oanh liệt của quân và dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” tại trại viết lần này của ông hứa hẹn sẽ đến với bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Dự trại lần này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú, với tâm thế của người trở lại chiến trường xưa, đã dồn hết tâm huyết để hoàn thành công trình nghiên cứu mang tên “Văn hóa Hồ Chí Minh - Ánh sáng thời đại”, đi sâu khai thác những khía cạnh văn hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua giá trị của những tác phẩm văn học mà Người để lại cũng như những bài nói, bài viết, những tác phẩm đã viết về Người trong suốt cuộc đời hoạt động.

Trong khi đó, nhà văn Hoàng Dự từng là 1 người lính chiến đấu nơi chiến trường miền Tây Nam Bộ trong đội hình Quân khu 9. Kinh qua những năm tháng trận mạc, rồi trưởng thành trên nhiều cương vị khác nhau của nghiệp cầm bút, giờ đây, trên cương vị Tổng Biên tập của 1 tờ báo văn chương hàng đầu Việt Nam (Thời báo Văn học Nghệ thuật), trở về với trại viết lần này, ông như được trở lại chính ngôi nhà xưa của mình.

Tiếp nối sự thành công của tiểu thuyết “Đường đời” (từng tái bản tới 9 lần), tại trại viết này, ông đã hoàn thành tập bản thảo tiểu thuyết “Nước mắt quê hương” - viết về những day dứt của cuộc đời người chiến sĩ trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Bên cạnh đó, ông còn thi triển tiểu thuyết “Nữ tử tù”, viết về 1 nữ chiến sĩ cách mạng hiên ngang mà anh dũng nơi chiến trường miền Tây Nam Bộ trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

“Bội thu” tiểu thuyết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng ảnh 2

Hai nhà văn Châu La Việt và Hoàng Dự thăm và tìm hiểu tư liệu sáng tác tại nhà nguyên Chính ủy Lữ đoàn Pháo cao xạ 226 Quân khu 9.

Nhà văn Cao Duy Sơn cũng hoàn thành tập bản thảo tiểu thuyết “Oán ca từ đáy thẳm” - câu chuyện là 1 điển hình tiêu biểu của việc giữ giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ở đó có tình người, có những giá trị văn hóa sẽ sống mãi với thời gian.

Nhà văn Trần Văn Tuấn với bản thảo tiểu thuyết “Nửa đời tìm kiếm” kể về cuộc đời, số phận của những người lính từng đi qua chiến tranh, với vô vàn những câu hỏi, những bỡ ngỡ của thời cuộc mà họ phải đối mặt.

Nhà văn Đào Ngọc Vinh - 1 nhà văn của xứ sở miệt vườn sông nước Cửu Long, từng có những áng văn chương mềm mại đi vào lòng người xứ sở sông nước, đã hoàn thành tập truyện ngắn mang tên “Nửa sông là chiều”.

Nhà văn Quỳnh Vân từng nhiều năm công tác trong lực lượng Phòng không-Không quân, cũng hoàn thiện bản thảo truyện ngắn “Người đàn bà dưới chân cầu Hàm Rồng”, tập hợp những câu chuyện kể về những trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chống lại những trận tập kích bằng đường không của đế quốc Mỹ...

Trại sáng tác Văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” năm 2022 tại Nhà sáng tác Cần Thơ đã thành công tốt đẹp cả về phương diện tổ chức, điều hành và số lượng, chất lượng bản thảo.

Sau khi bế mạc trại, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có thể đưa vào biên tập, xuất bản trong thời gian sớm nhất các tác phẩm nêu trên.

Có thể nói, với trại sáng tác này, văn học nước nhà đã có thêm “mùa gặt” với những sáng tác về người lính và chiến tranh cách mạng.