Văn học - Nghệ thuật

Ðổi mới hoạt động các trại sáng tác văn học - nghệ thuật

Dưới sự quản lý của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật (VHNT) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáu nhà sáng tác (Ðại Lải, Tam Ðảo, Nha Trang, Ðà Lạt, Vũng Tàu, Ðà Nẵng) được kỳ vọng là nơi ươm mầm cho nhiều tác phẩm VHNT. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của các đợt mở trại sáng tác (TST) thời gian qua, còn bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế, cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá để kịp thời đổi mới, điều chỉnh.

Các nhạc sĩ Hội Âm nhạc Hà Nội tại Nhà sáng tác Tam Ðảo năm 2016. Ảnh: BÁ MÔN
Các nhạc sĩ Hội Âm nhạc Hà Nội tại Nhà sáng tác Tam Ðảo năm 2016. Ảnh: BÁ MÔN

Nan giải "đầu ra"

Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT tổ chức từ 60 đến 80 TST cho 11 loại hình nghệ thuật, quy tụ từ 1.000 đến 1.200 văn nghệ sĩ tham dự. Theo số liệu từ Trung tâm, trong hai năm 2015-2016, có 131 TST đã được mở, đón hơn 2.000 lượt văn nghệ sĩ, thực hiện hơn 27.000 ngày sáng tác, và thu về thành quả gần 6.000 tác phẩm. Trong đó, có 2.727 tác phẩm thơ; 614 tiểu thuyết, ký, truyện ngắn; 410 tác phẩm sân khấu, phóng sự kịch bản múa, văn nghệ dân gian; 548 tác phẩm mỹ thuật; 999 tác phẩm nhiếp ảnh; 395 tác phẩm âm nhạc; 27 tác phẩm nghiên cứu phân tích; 17 tác phẩm kiến trúc.

Ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm cho biết: Từ đánh giá của hội đồng thẩm định, có thể ước tính 30 đến 40% số tác phẩm sau nghiệm thu đủ chất lượng để dàn dựng, xuất bản. So với con số không nhỏ về số lượng những tác phẩm được thai nghén tại các TST, và xét đặc thù sáng tạo VHNT thì rõ ràng, đây là đóng góp đáng ghi nhận của các TST, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng những tác phẩm VHNT có giá trị. Tuy nhiên, điểm mặt gọi tên những tác phẩm ít ỏi có cơ hội được dàn dựng, xuất bản từ các TST thời gian qua, mới thấy con đường để những tác phẩm có chất lượng sau nghiệm thu ra mắt công chúng là quá gian nan.

Một nghệ sĩ từng "kinh qua" nhiều TST cho biết: Chỉ một số rất ít các tác giả có quan hệ hay đặt hàng sáng tác từ trước tìm được "đầu ra" cho tác phẩm ngay, còn lại phần lớn sau khi bàn giao không biết số phận của những "đứa con tinh thần" đi về đâu. Do đó, dù số lượng, chất lượng tác phẩm thu về từ các TST lớn thì cũng là lãng phí, thiếu hiệu quả, nếu chúng không được quảng bá, sử dụng. Nhất là khi nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động ăn, ở, đi lại, công tác phí... cho một TST kéo dài 15 ngày với trung bình 15 nghệ sĩ/trại là không hề nhỏ, huống chi cả năm có tới gần một trăm trại...

Lý giải về những khó khăn ở khâu "đầu ra" của tác phẩm, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: Lâu nay, để có những TST, các hội VHNT chuyên ngành T.Ư và địa phương thường chịu trách nhiệm lựa chọn hội viên đi dự, đồng thời cũng là đơn vị đánh giá chất lượng tác phẩm khi kết thúc, còn các nhà sáng tác là đơn vị tổ chức, hỗ trợ các văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tác. Nhưng việc dàn dựng, xuất bản tác phẩm nào lại phụ thuộc quyết định của các đơn vị nghệ thuật, nhà xuất bản... Mà các đơn vị này còn phải cân nhắc, tính toán tới nhiều yếu tố. Do đó, sau các đợt mở TST, việc duy nhất mà Hội Nghệ sĩ Sân khấu có thể làm để hỗ trợ các tác giả có tác phẩm chất lượng là đăng tải thông tin khái quát trên một số phương tiện truyền thông của Hội, để đơn vị nào có nhu cầu thì kết nối tác giả sử dụng.

Nhà viết kịch Chu Thơm đã thẳng thắn chỉ ra: Một trong những nguyên nhân khiến các tác phẩm, đặc biệt ở lĩnh vực sân khấu khó được "trình làng" là do tính toán "chọn mặt gửi vàng" của khá nhiều đơn vị nghệ thuật hiện nay. Một năm, các đơn vị chỉ được đầu tư trọng điểm cho vài tác phẩm. Các tác phẩm này được mang đi thi lấy huy chương nên họ thường lựa chọn kịch bản của những người nổi tiếng, có vị trí, chức vụ để dàn dựng, nhằm bảo đảm độ an toàn... Ðây cũng là nguyên nhân khiến các TST thường xuyên thiếu vắng những gương mặt tác giả trẻ, mới. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền ngậm ngùi: Ði dự trại mà tầm tuổi vừa về hưu như ông vẫn được coi là trẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều văn nghệ sĩ, việc mở trại vẫn là hướng đi cần được duy trì, để thúc đẩy khả năng sáng tạo của các tác giả, nâng cao hơn nữa chất lượng nền văn nghệ nước nhà. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền khẳng định: 15 ngày ở trại là 15 ngày người nghệ sĩ được tạm quên đi những lo toan gia đình, công việc, cuộc sống để tập trung toàn bộ sinh lực, thai nghén những đứa con tinh thần; là nơi các tác giả được nghe những góp ý chân thành từ bạn nghề. Văn nghệ sĩ vốn giàu lòng tự trọng nên khi đến trại, gặp các đồng nghiệp, bản năng sáng tạo sẽ bị thôi thúc mạnh mẽ. Vậy nên, không thể phủ nhận, TST là nơi đã cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng cao. Vấn đề là làm thế nào để những tác phẩm đó tìm được đường đến với công chúng? Và làm thế nào để các TST trở thành động lực phát huy tối đa khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ nhiều thế hệ?

Cần nỗ lực đổi mới

Theo nhà văn Chu Lai, để TST thật sự là môi trường các văn nghệ sĩ phát huy sức sáng tạo, tránh tình trạng biến TST thành nơi an dưỡng, ngay từ khâu đầu vào, phải nghiêm túc lựa chọn theo tác phẩm chứ không phải theo nghệ sĩ. Tức là, muốn tham gia trại, mỗi tác giả phải gửi kịch bản chi tiết để tuyển chọn chứ không phải chỉ là đề cương. Không cần biết trẻ hay già, nổi tiếng hay không, miễn có kịch bản tốt, ý tưởng tốt thì sẽ được lựa chọn dự trại. Từ kịch bản này, các tác giả sẽ được chia tổ đọc cho nhau nghe, góp ý quyết liệt và hoàn thiện. Như vậy, lúc nào người nghệ sĩ cũng bị đốc thúc để phải sáng tạo và làm tốt, làm mới hơn kịch bản của mình. Ðiều này cũng sẽ loại bỏ được tình trạng các tác giả lôi kịch bản cũ ra "xào lại" rồi dự trại.

Bên cạnh đó, thời gian dự trại cũng là vấn đề khiến nhiều tác giả băn khoăn. Bởi một trại kéo dài 15 ngày thường chỉ thích hợp cho sáng tác thể loại sân khấu hay điện ảnh có độ dài 50 đến 60 trang; hoặc truyện ngắn có độ dài 20 đến 30 trang...; còn với tiểu thuyết vài ba trăm trang thì lại quá ít. Vì thế, để việc đầu tư cho các đợt mở TST đạt hiệu quả cao, cần tính toán tới đặc thù sáng tạo của từng loại hình VHNT, điều chỉnh thời gian dự trại cũng như chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp.

Nhà văn Ðỗ Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Thọ cho rằng: Cần có biện pháp để quảng bá, sử dụng tác phẩm của các TST nhiều hơn. Nên có cơ chế kết nối với các biên tập viên, nhà xuất bản, đơn vị nghệ thuật để có đầu ra cho những tác phẩm chất lượng. Làm được điều này sẽ tạo không khí thi đua sáng tác giữa các hội và giữa các tác giả.

Bên cạnh vấn đề giải quyết "đầu ra", Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhấn mạnh, nên quan tâm hơn đến các nghệ sĩ tự do, tạo kênh để họ tham gia. Các TST nên được tổ chức theo các chuyên đề có tính dự báo, để văn nghệ sĩ lựa chọn đề tài khai thác. Sau khi kết thúc trại nên tổ chức trao giải cho những tác phẩm tốt nhất và kết hợp truyền thông rộng rãi để các đơn vị có nhu cầu biết đến…

Theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT, cuối năm nay, Ðề án Công bố các tác phẩm và công trình VHNT đã được sáng tác tại các nhà sáng tác do Trung tâm triển khai giai đoạn 2011-2016 sẽ được tổ chức. Chương trình nhằm vinh danh các văn nghệ sĩ có thành quả nghệ thuật nổi bật tại các TST; tạo cầu nối quảng bá, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm VHNT chất lượng, giúp các tác phẩm có cơ hội khẳng định giá trị, sức sống trong thực tiễn đổi mới, hội nhập.