Trò chuyện cùng cụ Doãn Ngọc Trâm và các thành viên trong gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Bộ trưởng Y tế đã ân cần thăm hỏi và chúc sức khỏe cụ Doãn Ngọc Trâm cùng toàn thể gia đình; chúc cụ Doãn Ngọc Trâm luôn mạnh khỏe, trường thọ bên gia đình, các con, cháu, chắt.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ, thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào và vô cùng biết ơn đối với sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị là hình ảnh của một chiến sĩ, bác sĩ quên mình xông pha nơi chiến trường khói lửa, là tấm gương sáng để các thầy thuốc trẻ học tập và noi theo.
Trò chuyện cùng cụ Doãn Ngọc Trâm, đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam khẳng định: Việc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm lo cho các gia đình chính sách luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và sẽ tiếp tục được ngành y tế phát huy thực hiện tốt hơn nữa.
Đồng chí Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Y tế và đồng chí Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam ân cần thăm hỏi sức khỏe cụ Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm |
Ở tuổi 99, cụ Doãn Ngọc Trâm vẫn minh mẫn, hoạt bát và trò chuyện rất vui vẻ với Bộ trưởng Đào Hồng Lan cùng các thành viên của đoàn. Cụ Trâm bày tỏ xúc động vì luôn nhận được sự quan tâm của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam và các y, bác sĩ.
Thay mặt gia đình, bà Đặng Hiền Trâm, em gái ruột của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, xúc động cho biết: “Chiến tranh dù đã qua đi gần 50 năm nhưng Đảng, Chính phủ, ngành y tế vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sức khỏe của mẹ và gia đình tôi. Tôi và gia đình vô cùng cảm kích, trân trọng và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam và đoàn công tác đã thu xếp dành thời gian đến thăm hỏi, động viên mẹ Doãn Ngọc Trâm và gia đình nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ đầy ý nghĩa này".
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966, bác sỹ Ðặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường miền nam để chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Chị xung phong nhận nhiệm vụ phụ trách công tác điều trị tại Bệnh xá Ðức Phổ (Quảng Ngãi), đây là chiến trường ác liệt nhất miền trung, Tây Nguyên lúc bấy giờ. Khi đó, quân Mỹ-Ngụy tập trung đánh phá dã man, cả vùng bán sơn địa phía nam huyện liên tục bị tàn phá. Thế nhưng, một bệnh xá của huyện vẫn trụ vững trên mảnh đất đầy bom đạn để phục vụ chiến trường, cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân.