Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023)

Nuôi dưỡng truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”

Dân tộc ta có truyền thống cao đẹp “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, không chỉ thể hiện mỗi khi chúng ta kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, mà từng tháng, từng năm, các địa phương, đơn vị, cơ quan đều có những việc làm thường xuyên chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc sức khỏe cho thương binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang). Ảnh: TRẦN HẢI
Chăm sóc sức khỏe cho thương binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang). Ảnh: TRẦN HẢI

Tất cả bắt nguồn từ một nhận thức sâu xa: chính những lớp người ấy, sự hy sinh của họ đã góp sức nở hoa độc lập, kết quả tự do, đất nước ngày càng khởi sắc trên hành trình đổi mới, hội nhập hôm nay.

Chúng ta trân trọng những việc làm thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Khép lại năm 2022, với những chủ trương, chính sách sát hợp, chúng ta đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, gần 800 nghìn thương-bệnh binh và 111 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt và tù đày, gần 2 triệu người có công giúp đỡ cách mạng. Theo đó, nhờ việc hỗ trợ các đối tượng chính sách bằng nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội, cuộc sống vật chất và tinh thần của các đối tượng nêu trên ngày được cải thiện, khấm khá hơn.

Phong trào chăm sóc các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với nước đã thành phong trào của toàn xã hội, như “Tặng nhà tình nghĩa”, “Tặng sổ tiết kiệm”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Chăm sóc vườn cây tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “Quy tập hài cốt về nghĩa trang”, “Trồng cây xanh trong các khu mộ liệt sĩ”..., thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Cùng với việc làm đó, các phong trào “Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ công an nhân dân thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ”, “Thương binh tàn nhưng không phế” đã xuất hiện nhiều tấm gương tự vượt lên gian khó trên trận tuyến mới, không ỷ lại, đòi hỏi Nhà nước, tận tâm cống hiến sức lực còn lại, góp sức làm đẹp xóm thôn, giữ bình yên cuộc sống.

Chúng ta xúc động trước tấm gương Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông ở TP Hồ Chí Minh đã mất đi người chồng, người con, riêng mình bị thương tật 35% khi hoạt động cách mạng, nay tuổi cao vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông Byan, dân tộc Ba Na từng bị địch bắt giam ở các nhà tù Pleiku, Phú Quốc, vẫn một lòng trung thành với cách mạng trước đòn roi dã man của kẻ thù, nay về địa phương vẫn hăng hái động viên bà con lao động sản xuất, trở thành “già làng” có uy tín.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại, đặc biệt trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ông đã chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B-52. Về sống đời thường, ông thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, là người đã có sáng kiến thành lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức chăm sóc trẻ em và những người kém may mắn trong cuộc sống. Thương binh Vũ Gia Nhưng ở Phú Thọ tự thành lập doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động có thu nhập, mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước từ 2-3 tỷ đồng đồng thời tích cực làm công tác từ thiện xã hội. Và còn hàng nghìn, hàng vạn những tấm gương như vậy ở khắp miền đất nước.

Đúng như lời Bác Hồ: mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là rừng hoa đẹp. Trên trận tuyến mới, những con người đã hy sinh một phần máu xương, cơ thể vẫn đang cần mẫn dùng sức lực còn lại làm đẹp cuộc đời và đất nước. Điều ấy thôi thúc mỗi chúng ta vừa tỏ lòng tri ân, vừa tăng thêm trách nhiệm đối với những người có công với cách mạng.