Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, sức lan toả của một tấm gương Anh hùng

Chăm sóc người bệnh tại Trung tâm y tế Đức Phổ, Quảng Ngãi
Chăm sóc người bệnh tại Trung tâm y tế Đức Phổ, Quảng Ngãi

Thời gian qua, nhiều người biết đến bác sĩ Ðặng Thùy Trâm thông qua cuốn nhật ký của chị. Ðối với nhân dân Ðức Phổ (Quảng Ngãi) anh hùng, chị là một người con ruột, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Liệt sĩ - bác sĩ Ðặng Thùy Trâm vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND...

Tốt nghiệp đại học Y Hà Nội năm 1966, bác sỹ Ðặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường miền nam để chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Chị xung phong nhận nhiệm vụ phụ trách công tác điều trị tại Bệnh xá Ðức Phổ (Quảng Ngãi), đây là chiến trường ác liệt nhất miền trung, Tây Nguyên lúc bấy giờ. Khi đó, quân Mỹ, Ngụy tập trung đánh phá dã man, cả vùng bán sơn địa phía nam huyện liên tục bị tàn phá. Thế nhưng, một bệnh xá của huyện vẫn trụ vững trên mảnh đất đầy bom đạn để phục vụ chiến trường, cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân. Và, người phụ trách điều trị bệnh xá lúc bấy giờ là bác sĩ Ðặng Thùy Trâm.

Chúng tôi vừa có dịp trở lại Ðức Phổ, nơi thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bác sĩ - liệt sĩ Anh hùng Ðặng Thùy Trâm công tác. Trực tiếp gặp những nhân chứng là những người chị, em kết nghĩa; người đã từng chiến đấu trên cùng chiến trường... càng cảm phục tấm gương quả cảm của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm. Chị không ngại hiểm nguy, khó khăn, bằng tấm lòng của người thầy thuốc và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã  chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo, cứu sống nhiều thương binh, bệnh binh, giúp họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Những cuộc chiến giành lại sự sống cho các thương bệnh binh, hay cuộc chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, càng làm sáng ngời ý chí của người chiến sĩ - bác sĩ vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn như vậy, chị vẫn thể hiện một tấm lòng cao đẹp, giản dị. Cuộc đời nữ bác sĩ - chiến sĩ Ðặng Thùy Trâm tràn đầy chất anh hùng ca, nhưng cũng đầy chất lãng mạn, tình đồng chí, đồng đội. Chị là một điển hình tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam; một thầy thuốc trẻ mẫu mực, biết cống hiến hết mình cho dân, cho nước.

Thấm thoắt đã mấy chục năm với bao biến cố, thăng trầm, nhưng đối với chị Tạ Thị Ninh thì những hình ảnh về bác sĩ Ðặng Thùy Trâm không hề phai nhạt. Chính từ sự dìu dắt, hướng dẫn của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm mà chị Ninh đã gắn bó với nghề y từ đó đến nay (chị Ninh hiện là y sĩ của Trạm Y tế xã Phổ Cường). Nhớ lại ngày đầu gặp bác sĩ Trâm, chị Ninh và nhiều người dân xã Phổ Cường rất ngạc nhiên, sửng sốt khi tại chiến trường ác liệt như vậy mà lại có một nữ bác sĩ trẻ, từ miền bắc xung phong nhận nhiệm vụ vào chiến trường ác liệt, nóng bỏng này, trong khi nhiều người ở địa phương cũng phải lánh đi, vì không chịu nổi sự ác liệt của chiến tranh. Bằng sự nhiệt tình với công việc, sự hòa đồng với mọi người, bác sĩ Ðặng Thùy Trâm đã nhanh chóng được đồng bào, cán bộ cảm phục, yêu mến.

Chị Ninh khẳng định: Càng gần gũi bao nhiêu, mọi người càng mến phục chị bấy nhiêu. Chị là tấm gương của lòng bao dung, độ lượng, thương yêu đồng đội, thật xứng đáng là "lương y như từ mẫu".

Còn với "cậu Tư xóm cát" ngày ấy và đồng chí Trần Văn Thường, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, thì bác sĩ Ðặng Thùy Trâm thật sự là người chị (hai người là chị em kết nghĩa), một người đồng chí, một tấm gương sáng giúp anh có thêm nghị lực để đóng góp cho cách mạng.

Do điều kiện công việc ngày ấy, anh Thường thường xuyên tiếp xúc, chứng kiến, ghi nhận được những đóng góp của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm trong công cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, thông qua những ngày trong khói lửa, cứu chữa  những bệnh binh của chiếc tàu không số, và biết bao bệnh binh khác ở những công sự (hầm bí mật) hay bệnh xá trong lòng đất...

Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, Ðức Phổ bây giờ đã khác xa, dấu tích chiến tranh vẫn còn đó, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây đang từng ngày đổi thay. Những khu dân cư trù phú đã hình thành ngày một nhiều hơn, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Với ngành y tế nơi đây, tuy còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhưng cũng có bước tiến trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các thế hệ thầy thuốc đã từ lâu luôn lấy tấm gương bác sĩ Ðặng Thùy Trâm để học tập, noi theo.

Tiến sĩ Phạm Hồng Phương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi tâm sự: "Một nữ bác sĩ trẻ, bỏ lại sau lưng cuộc sống yên ấm cùng gia đình, người thân, xung phong vào nơi đầy hiểm nguy, khó khăn mà vẫn làm tốt việc chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh và nhân dân trong chiến tranh, thì ngày nay không có lý gì để các thầy thuốc không làm tốt được cùng công việc đó". Ngành Y tế Quảng Ngãi đã phát động sâu rộng phong trào học tập và noi gương bác sĩ Ðặng Thùy Trâm, mỗi đơn vị, cá nhân bằng những việc làm cụ thể nâng cao chất lượng và tinh thần phục vụ người bệnh.

Như đã thành thông lệ, Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nào cũng vậy, các thầy thuốc ở Trung tâm Y tế Ðức Phổ, đều có những hoạt động thiết thực tưởng nhớ đến bác sĩ Ðặng Thùy Trâm và lấy đó làm tấm gương để mọi người noi theo. BS Võ Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Ðức Phổ khẳng định: Noi gương bác sĩ Ðặng Thùy Trâm, thế hệ thầy thuốc chúng tôi hôm nay còn phải cố gắng nhiều, sẽ phải vượt lên chính mình để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Ðiều đó đã được cán bộ trung tâm thể hiện bằng những việc làm cụ thể, trong đó luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên, tập trung đầu tư các trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ để từng bước nâng cao chất lượng điều trị lẫn tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Nhờ vậy, bệnh viện không chỉ thu hút đông người bệnh trong địa bàn huyện, mà còn thu hút nhiều người bệnh ở những huyện chung quanh đến khám, chữa bệnh. Mạng lưới y tế tại các xã cũng được quan tâm ưu tiên phát triển để đưa các dịch vụ y tế về gần dân. Ðến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có bác sĩ (trung bình 1,8 bác sĩ/trạm), góp phần quan trọng vào việc giảm số người bệnh chuyển lên tuyến trên, một số trạm đã triển khai mổ đẻ và thu dung người bệnh để điều trị... Bằng những cố gắng đó, ba năm qua (2003- 2005) Trung tâm Y tế Ðức Phổ đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện.

Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ - bác sĩ Ðặng Thùy Trâm đã ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, ảnh hưởng tới lý tưởng và nhân cách sống cao đẹp. Chị còn là đại diện tiêu biểu của thế hệ những người thầy thuốc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, Bộ Y tế phát động một phong trào thi đua trong cán bộ, công chức toàn ngành y tế học tập, noi gương liệt sĩ - bác sĩ Ðặng Thùy Trâm, để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới. Mong muốn chính của phong trào thi đua này là để mỗi cán bộ trong ngành nêu cao tinh thần cách mạng, vượt khó khăn vì nhiệm vụ và lợi ích chung.