Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên

NDO - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 14/4, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, tặng nhà đại đoàn kết tại tỉnh Điện Biên.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1.

Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Somsavat Lengsavat, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Khampheuy Keokinnaly, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam; Davone Vongonchanh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía nam, bên con đường Võ Nguyên Giáp thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên ảnh 1

Sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng (vào các năm 1994, 2013) Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 trở thành công trình văn hóa-lịch sử, hội tụ tính trang nghiêm, bền vững, thẩm mỹ, có kiến trúc và quy mô hợp lý, phù hợp với tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Bộ trưởng và đoàn công tác cũng dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên Đồi F. Đây là công trình kiến trúc được hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, là một trong 45 điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ nằm liền kề với Di tích Đồi A1.

Đền thờ có diện tích gần 50.000m2 với thiết kế độc đáo, vừa kế thừa từ kiến trúc truyền thống lại vừa mang những nét hiện đại của công trình du lịch, văn hóa tâm linh. Công trình này được chia thành 3 không gian chính, bao gồm: không gian dẫn nhập, không gian tĩnh tâm và không gian tâm linh (Đền thờ chính).

Không gian tĩnh tâm gồm sân và hồ tĩnh tâm được tạo hình bởi các vòng tròn đồng tâm, có ý nghĩa tạo sự tập trung, tĩnh tâm trước khi đến với không gian tâm linh, diện tích sân là 870m2. Hồ tĩnh tâm với diện tích là 542m2 được thiết kế hình vành khuyên với dung tích khoảng 360m3 nước.

Không gian tâm linh - đền thờ chính được xây dựng có tính kế thừa và phát triển từ kiến trúc truyền thống 8 góc mái đao với diện tích 303m2, nhà tiền tế với diện tích 137m2 và hai khối tả vu, hữu vu được bố trí hai bên sân đền với diện tích mỗi bên là 197m2, tất cả đều được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài.

Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác cũng đến bàn giao giao 2 nhà đại đoàn kết cho các gia đình chính sách tại xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Mỗi gia đình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ 50 triệu đồng và đã xây cơ bản hoàn thành. Đó là gia đình bà Lù Thị Hặc (sinh năm 1952) và gia đình bà Lường Thị Xuân (sinh năm 1967) tại bản Noong Ứng, xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đến bàn giao giao 2 nhà đại đoàn kết cho các gia đình chính sách tại xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Đây là một phần trong việc hưởng ứng Cuộc vận động của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) (gọi tắt là Đề án 09) và Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 25/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên.

Đến nay, đã có 5.000 hộ nghèo, cận nghèo tại tỉnh Điện Biên làm xong nhà đại đoàn kết. Trong đó, có 1.810 nhà xây, 1.901 nhà gỗ truyền thống, 1.289 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành bảo đảm yêu cầu về chất lượng, diện tích nhà từ 36m2 trở lên.

Hưởng ứng cuộc vận động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ 14 gia đình làm nhà đại đoàn kết, tổng trị giá số tiền là 700 triệu đồng.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ân cần hỏi thăm đời sống của các gia đình, tình hình xây dựng và sửa chữa căn nhà cũng như việc ổn định công việc và chỗ ở mới. Trong không khí ấm áp, thân tình, Bộ trưởng cũng tặng mỗi gia đình một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và một chiếc tivi.

Bà Lù Thị Hặc và Lường Thị Xuân cảm ơn tình cảm và những hành động tình nghĩa của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các gia đình cho rằng việc có nhà mới khang trang hơn, kiên cố hơn sẽ các gia đình nâng cao cuộc sống, từng bước ổn định sinh kế để thoát nghèo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên ảnh 3

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ân cần thăm hỏi, tặng quà các cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng trong chuyến công tác tại Điện Biên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn đã đến tặng quà, tri ân một số cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 hiện đang sống tại huyện Điện Biên. Đó là cựu chiến binh Hoàng Văn Khá (sinh năm 1932), cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ (sinh năm 1932), cựu chiến binh Trần Quang Hữu (sinh năm 1930), cựu chiến binh Nguyễn Văn Chứa (sinh năm 1930).

Bộ trưởng ân cần hỏi thăm, tặng quà và tri ân các cựu chiến binh. Các cựu chiến binh bày tỏ vui mừng, cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác. Các cựu chiến binh và đoàn công tác cũng ôn lại nhiều kỷ niệm xưa tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Đặc biệt là khoảng thời gian sau 1954, nhiều cựu chiến binh đã ở lại Điện Biên, lập nghiệp và làm kinh tế mới, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên.